Theo đó, đề án sẽ có các nội dung chính như: đánh giá thực trạng làng cổ Đông Sơn về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội; thực trạng các di tích lịch sử văn hóa, không gian làng cổ, các di tích – di chỉ khảo cổ, nhà cổ, lễ hội; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của làng cổ Đông Sơn… Từ các đánh giá này sẽ xác định mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch…
Làng cổ Đông Sơn được đánh giá là 1 trong 10 làng cổ đẹp nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, khác với những làng cổ như Đường Lâm, Phước Tích, Mai Xá,… làng cổ Đông Sơn còn hội đủ 5 yếu tố về khảo cổ, lịch sử văn hóa, danh thắng, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.
Năm 1924, một người dân của làng phát hiện một số đồ dùng bằng đồng bên sông Mã, trong đó có một chiếc trống đồng. Sau nhiều cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật quý giá bằng đồng chứng minh về sự tồn tại của một nền văn minh – văn hóa rực rỡ có niên đại cách nay khoảng hơn 2.500 năm.
Ngoài các di chỉ khảo cổ, trong làng còn cả một hệ thống di tích với Phủ Mẫu, Đền Đức Thánh Cả, Văn Thánh, Miếu Nhị, văn bia “Tượng Sơn bi ký”… bên cạnh đó là hàng chục ngôi nhà cổ trên trăm năm tuổi. Hệ thống đường làng được tạo lập theo hình xương cá với các ngõ nhỏ và từ xa xưa đã được đặt tên như ngõ Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng…