Trước tình hình dịch lây lan vào Bắc Trung bộ, ngày 25-2, Bộ NN-PTNT đã cử đoàn công tác đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi tại tỉnh Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Cục Thú y, từ ngày 23-2 đã phát hiện heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi tại hộ ông Lê Văn Thanh, ở thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa với 48 con heo mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy toàn bộ 226 con heo của cơ sở này.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng ra công điện gửi tới các bộ, ban ngành, địa phương đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó để ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan ra diện rộng do việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển heo bệnh, heo nghi bệnh, heo chết từ các địa phương có dịch bệnh sang các địa phương chưa có dịch bệnh.
* TPHCM triển khai các giải pháp phòng chống dịch
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm TPHCM họp triển khai Quyết định 122 của UBND TPHCM về kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi họp, ông Nguyễn Phước Trung, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm TPHCM, cho biết, TPHCM là nơi tiếp nhận nhiều nguồn động vật và sản phẩm động vật, nhất là heo và thịt heo từ nhiều nơi. Vì vậy, việc kiểm soát nguồn nhập hết sức quan trọng tại các cửa ngõ vào TP, lò giết mổ, chợ đầu mối, các chợ truyền thống, siêu thị, cơ sở chế biến. Ngoài ra, từng quận huyện cần quản lý chặt địa bàn, phát hiện và xử lý triệt để các lò giết mổ lậu...
Ngày 25-2, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh Đồng Nai Trần Văn Quang cho biết, thời điểm này giá heo trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có gì biến động nên diễn ra tình trạng heo được vận chuyển từ Bắc vào Nam tăng lên trong những ngày qua, càng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn heo của Đồng Nai.
Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 10 xe chở heo (khoảng hơn 1.500 con) từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam đi qua Trạm kiểm dịch Ông Đồn (quốc lộ 1A, thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc) để đưa vào các tỉnh Tây Nam bộ.