Đền thờ Lê Văn Hưu được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990.
Qua thời gian, đền thờ bị xuống cấp nghiêm trọng. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo Đền thờ Lê Văn Hưu. Năm 2019 dự án được triển khai với tổng vốn hơn 29 tỷ đồng.
Ngay sau lễ cắt băng khánh thành là Chương trình nghệ thuật sử thi với chủ đề “Lê Văn Hưu - Người khởi dựng quốc sử Việt Nam”.
Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần (1230), mất ngày 23-3-1322 (năm Nhâm Tuất), thọ 93 tuổi. Ông người làng Thần Hậu (tức Phủ Lý Nam) xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Năm Nhâm Thân Thiệu Long thứ 15 (năm 1272), Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu Lê Văn Hưu vâng lệnh soạn Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển.
Trong cuốn “Từ điển Hán - Việt”, học giả Đào Duy Anh viết: “Lê Văn Hưu - danh sĩ đời Trần, thi đậu Bảng nhãn, soạn bộ Đại Việt sử ký 30 quyển chép từ nhà Triệu đến cuối nhà Hậu Lý, nước ta có sử từ đó”.
Còn Giáo sư Phan Huy Lê nhận xét: “Trong lịch sử phát triển của nền sử học Việt Nam, Đại Việt sử ký giữ vị trí bộ Quốc sử đầu tiên”.
Tại hội thảo khoa học “Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký” do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, các đại biểu đã kiến nghị Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm có kế hoạch chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh nhà sử học Lê Văn Hưu nhân kỷ niệm 800 năm ngày sinh của ông vào năm 2030.