Tối 8-5, tại Quảng trường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029-2019).
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tham dự buổi lễ. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và một số địa phương; lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn (Lào) cùng các mẹ Việt Nam anh hùng, các lão thành cách mạng, các nhà khoa học, lịch sử và đông đảo nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng đến dự lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, coi đây là dịp tìm về cội nguồn và tiếp tục khẳng định, phát huy những thành quả dựng nước, giữ nước cùng dân tộc của vùng đất, con người Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Xứ Thanh là một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa phi vật thể của người Việt và của đồng bào các dân tộc thiểu số với hàng ngàn di tích chứa đựng những giá trị văn hóa quý giá và đặc sắc, tiêu biểu. Thanh Hóa cũng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam (Tiền Lê, Hậu Lê, Nhà Hồ, Nhà Nguyễn). Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa; là vùng đất “phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”. Các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử dân tộc những trang vàng chói lọi.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa được xem là thủ đô văn hóa kháng chiến, huy động nhiều sức người, sức của, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều tên đất, tên làng của xứ Thanh đã đi vào lịch sử như những khúc tráng ca bất tử cùng Tổ quốc và dân tộc, mãi mãi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng...
Thủ tướng chỉ rõ: Là tỉnh có vị trí địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, xã hội rất thuận lợi và đặc biệt là đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian qua, Thanh Hóa cần không ngừng nâng cao tiềm lực và sức cạnh tranh, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn để trở thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng để có chiến lược thúc đẩy phát triển, tăng cường thu hút đầu tư, gồm: công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, nông nghiệp, y tế, đô thị hóa và cơ sở hạ tầng với trọng tâm là Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Thanh Hóa phải tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội như: đường ven biển, đường cao tốc, các dự án hạ tầng về du lịch, hàng không cảng biển; nghiên cứu, có cơ chế, chính sách mới, hấp dẫn nhằm tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng quan trọng.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa cần tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề để cung cấp lao động có trình độ, tay nghề phù hợp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và khu du lịch, phát triển kinh tế biển. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 Thanh Hóa phải là địa phương đứng trong tốp đầu của 15 tỉnh, thành của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Ngay sau lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là Chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tên “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”.