Lễ hội Lam Kinh năm 2023 |
Lễ hội Lam Kinh năm 2023 được bắt đầu với nghi thức rước kiệu Đức Vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung Túc vương Lê Lai từ Đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai về sân rồng Chính điện Lam Kinh.
Sau nghi thức rước kiệu, lãnh đạo Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và các địa phương, đại diện dòng họ Lê đã kính cẩn dâng hương tưởng nhớ công đức Vua Lê Thái Tổ cùng các bậc tiền nhân, các anh hùng, nghĩa sĩ đã có công bảo vệ và dựng xây Tổ quốc. Tiếp đó là nghi thức đọc chúc văn tấu cáo, tưởng nhớ công lao của Đức Thái Tổ Cao hoàng đế, các vị vua, Hoàng thái hậu nhà Lê, các công thần và tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn.
Rước kiệu về sân rồng Chính điện Lam Kinh |
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đọc diễn văn khai mạc Lễ hội Lam Kinh năm 2023.
Diễn văn khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đất và người Thanh Hóa đã in dấu với những cống hiến to lớn trong nhiều sự kiện trọng đại, tiêu biểu trong số đó là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, dòng họ Lê dâng hương tưởng nhớ Vua Lê Thái Tổ cùng các bậc tiền nhân |
Năm 1407, sau khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Vận mệnh quốc gia cùng với nền văn hóa dân tộc đứng trước nguy cơ bị hủy diệt, cuộc sống của nhân dân rơi vào cảnh lầm than.
Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, năm 1416, tại Lũng Nhai, Lê Lợi đã cùng 18 vị tướng tài, tâm phúc mở Hội thề quyết tâm chống giặc Minh, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho nhân dân. Lời thề thiêng liêng đã lan tỏa và thu hút anh hùng, hào kiệt từ mọi miền đất nước tìm về Lam Sơn tụ nghĩa.
Một nghi thức trong lễ rước truyền thống của người Mường tại Lễ hội Lam Kinh năm 2023 |
Ngày mùng 2 Tết năm Mậu Tuất - 1418, tại vùng rừng núi Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược bắt đầu. Trải qua 10 năm “nếm mật nằm gai”, với ý chí kiên cường, quả cảm, bằng nghệ thuật quân sự lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, năm 1428 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi hoàn toàn.
Sau khi đất nước thái bình, tháng 4 năm Mậu Thìn 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt và lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm. Đây là thời kỳ nước Đại Việt được hồi sinh và trở thành một quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ XV.
Lãnh đạo Trung ương, địa phương và nhân dân tham dự lễ hội |
Sau khi lên ngôi, Vua Lê Thái Tổ đã chọn đất tổ Lam Sơn là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua và hoàng hậu. Kể từ đó, Lam Kinh trở thành vùng đất thiêng - nơi mỗi người hướng về cội nguồn với lòng tôn kính, ngưỡng vọng và tri ân các bậc tiền nhân, tiên tổ.