Lấy người dân và doanh nghiệp làm động lực của chuyển đổi số
Vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa" nhằm đánh giá những kết quả đạt được và vạch ra phương hướng phát triển thời gian tới.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, Thanh Hóa luôn đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chủ thể và là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động cổng dữ liệu mở, cung cấp 195 cơ sở dữ liệu thuộc 15 lĩnh vực, từ đó góp phần cung cấp, chia sẻ dữ liệu kịp thời, công khai, minh bạch tới doanh nghiệp và người dân được nhanh chóng, hiệu quả.
Hiện nay, Thanh Hóa là tỉnh có số lượng thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến đứng đầu cả nước; tỉ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,51%. Việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các cơ quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 3 cấp với tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản là trên 3,3 triệu lượt, tỉ lệ ký số cơ quan đạt 98%...
Thanh Hóa đã kích hoạt thành công gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thực hiện rà soát được gần 2,3 triệu mã số thuế cá nhân, đạt tỉ lệ 98,4%; tỉ lệ các doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 84%; 100% doanh nghiệp được tiếp cận và ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất kinh doanh,… Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 615 doanh nghiệp công nghệ số.
Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí và giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số đến cấp huyện, cấp xã. Đến nay, tỉnh đã có 114 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số cấp xã. Hiện Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu dân cư trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Thanh Hóa cũng thực hiện việc xử lý văn bản và hồ sơ công việc, gửi nhận văn bản hoàn toàn trên môi trường điện tử ở tất cả các cấp.
Hướng tới phát triển bền vững, cân bằng giữa kinh tế, môi trường và chất lượng cuộc sống
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh mang lại nhiều lợi ích quan trọng, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Mai Xuân Liêm nêu rõ, ý thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, Thanh Hóa đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ngay từ năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 06 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 Thanh Hóa thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chính quyền số.
Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, trong những năm qua, Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả tích cực về chuyển đổi số. Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về xếp hạng chuyển đổi số. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 16, kinh tế số xếp thứ 14, xã hội số xếp thứ 13. Thanh Hóa cũng đã ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định 8 nhóm giải pháp chủ yếu với 105 nhiệm vụ cụ thể về tăng trưởng xanh.
Ông Mai Xuân Liêm nhìn nhận, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Chuyển đổi số không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ông Mai Xuân Liêm nhấn mạnh: “Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo ra mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là mục tiêu mà Thanh Hóa đang hướng tới”.