Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trên diện rộng liên tục trong các ngày 9, 10 và 11-10 đã làm lũ lên nhanh, chia cắt giao thông tại Thanh Hóa. Dự báo sáng mai 12-10, lũ sẽ lên mức tương đương với mức lịch sử năm 1980 và 2007 gây ngập lụt nghiêm trọng ở Thanh Hóa.
Tại một số huyện miền núi Thanh Hóa như: Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân, Ngọc Lặc, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Mường Lát, Thạch Thành, Nông Cống, Tĩnh Gia… nhiều bản, xã bị lũ nhấn chìm, mọi hoạt động giao thông, đi lại của người dân đều bị ngừng trệ.
Đường tràn Hón Na, thôn Tiến Hùng 1, xã Luận Thành, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) nước chảy xiết gây nguy hiểm cho người dân qua lại Ghi nhận tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công tác di dời dân đã được một số địa phương khẩn trương ngay trong đêm 10-10 và sáng 11-10, hàng nghìn hộ dân đã được các lực lượng chức năng di dời khỏi nơi nguy hiểm.
Tại huyện Thạch Thành, mực nước sông Bưởi lên cao đã làm cho 6 xã Thành Tiến, Thành Lâm, Thành Trực, Thành Tân, Thành Mỹ, Thành Vinh bị ngập nặng.
Một cây cầu trên địa bàn xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân bị nước lũ làm sập Sáng 11-10, huyện Thạch Thành đã quyết định di dời 500 hộ dân đến nơi an toàn.
Hiện mức nước sông Bươi đang ở mức báo động 2 và tiếp tục lên cao.
Tại huyện Thọ Xuân, đã xảy ra tình trạng sạt lở đê sông Chu tại xã Thọ Trường và đê sông Cầu Chày, đoạn xã Quảng Phú. Trước tình hình đó, huyện Thọ Xuân đã huy động các lực lượng di dời người dân đang sống tại một số khu vực nguy hiểm ở 6 xã Xuân Hòa, Thọ Diên, Thọ Thành, Xuân Thiên, Xuân Yên, Phú Yên, Quảng Phú đến nơi an toàn.
Một nhà dân trên địa bàn xã Tân Thành, huyện Thường Xuân bị đổ sập Mưa lớn cũng đã khiến nước tràn qua một số điểm xung yếu trên tuyến đê sông Yên, đoạn qua địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia. Nước lũ tràn qua đê đã làm ngập một số nhà dân tại xã Thanh Sơn và một số khu vực khác, lực lượng chức năng đã phải sơ tán hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn….
Sơ tán dân đến nơi an toàn Tình hình tương tự cũng đang xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, lũ lụt đang có diễn biến phức tạp, chưa có con số thống kê về tình hình thiệt hại, nhưng bước đầu, mưa lũ đã khiến 1 người chết và 2 cán bộ biên phòng mất tích khi đang trên đường giúp dân chạy lũ.
Mưa lớn cũng làm nhiều nhà dân bị ngập lụt, sập đổ; nhiều cầu, cống bị hư hại; nhiều diện tích hoa màu bị ngập sâu trong nước.
Lực lượng chức năng tổ chức sơ tán dân Đến trưa ngày 11-10, công tác tìm kiếm, cứu nạn vẫn được hàng nghìn người triển khai, tìm kiếm 2 cán bộ biên phòng mất tích là Thượng tá Cao Đăng Cường, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng Yên Khương và Đại úy Nguyễn Thành Chủng, Đội trưởng Đội tổng hợp Đồn Biên phòng Yên Khương trong khi đi phối hợp với xã Yên Khương hỗ trợ nhân dân địa phương phòng chống lũ lụt đã không may gặp nạn.
Lũ sông Mã lên mức lịch sử năm 1980 và 2007
Lúc 11 giờ trưa nay 11-10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra công điện khẩn số 77 gửi các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng (bao gồm Hà Nội), các tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa, Nghệ An cùng các bộ có liên quan thông báo tình hình mưa lũ, ngập lụt có thể diễn ra ở mức báo động.
Theo số liệu báo cáo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương trưa nay, lũ trên hàng loạt sông như sông Đà, sông Hồng, sông Mã và sông Hoàng Long có khả năng lên mức báo động số 3. Đặc biệt tại sông Mã vào sáng mai 12-10 sẽ lên mức tương đương với mức lịch sử năm 1980 và 2007 gây ngập lụt nghiêm trọng ở Thanh Hóa.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp và không khí lạnh đang về, tại Bắc Trung bộ và Hòa Bình đã có mưa rất lớn với cường độ 200-300mm gây lũ lớn trên sông Cả, sông Mã và sông Hoàng Long.
Tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Hòa Bình đang xảy ra các sự cố đối với hồ thủy lợi nhỏ.
Ngoài ra Công ty Thủy điện Hòa Bình đã phải chủ động mở 8 cửa xả đáy và còn có thể mở thêm vì mực nước hồ thủy điện đã vượt mức cho phép là 117,3m (thực tế lúc 10 giờ là 117,4m)
Vì vậy Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lệnh cho các tỉnh sẵn sàng triển khai mọi phương án chống lũ; bằng mọi biện pháp thông báo cho các cấp chính quyền, người dân được biết tình hình xả lũ; tăng cường tần suất thông tin về việc có thể xuất hiện lũ lịch sử trên sông Mã ở tỉnh Thanh Hóa (tại trạm Giàng). Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, lực lượng dân quân hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ và hỗ trợ người dân triển khai ứng phó giảm thiểu thiệt hại.
Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo dõi mưa lũ, đảm bảo an toàn công trình. Bộ GT-VT có biện pháp hướng dẫn giao thông tại các khu vực nguy hiểm, tổ chức tuần tra canh gác tại các bến đò, ngầm tràn để hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại an toàn.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán dân, tổ chức cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.
PHONG HẢI - VĂN PHÚC