Tính đến thời điểm này, trên kênh YouTube chính thức, tập phát sóng đầu tiên của Gạo nếp gạo tẻ đạt hơn 14 triệu lượt xem. Tập phát sóng mới nhất (tập 36), được đăng tải ngày 28-7 hiện cũng đạt hơn 2,5 triệu lượt xem. Tính trung bình, mỗi tập phát sóng đều thu hút khoảng 5 triệu lượt xem. Đáng chú ý, mỗi tập phát sóng cũng thu hút hàng chục ngàn lượt yêu thích (like) cùng hàng ngàn bình luận sôi nổi của cộng đồng mạng. Cơn sốt của Gạo nếp gạo tẻ là sự nối tiếp của những bộ phim truyền hình đình đám thời gian qua, góp phần gầy dựng lại niềm tin của khán giả màn ảnh nhỏ.
Điểm chung của hầu hết những bộ phim tạo tiếng vang như Gạo nếp gạo tẻ đó là hầu hết các tác phẩm đều được Việt hóa từ kịch bản ăn khách của nước ngoài. Đó là Người phán xử (Ha-Borer của Israel), Sống chung với mẹ chồng (dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Giả Hiểu - Trung Quốc), Cả một đời ân oán (Cô dâu triệu phú - 2006 và Cô dâu bạc triệu - 2014 của Trung Quốc)… Gạo nếp gạo tẻ cũng được làm lại từ Gia đình họ Wang (Hàn Quốc).
Xu hướng Việt hóa phim truyền hình không còn là trào lưu mới bởi nó đã xuất hiện từ hơn 10 năm về trước. Đây cũng được xem là hướng đi tất yếu không chỉ ở thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh phim truyền hình Việt đang thực sự gặp bài toán khó về vấn đề kịch bản nên với nhiều đơn vị sản xuất, Việt hóa chính là cứu cánh. Việc bộ phim ấy có thành công không hoặc thành công đến mức nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nhìn ở góc độ tích cực có thể thấy, quá trình Việt hóa những bộ phim nói trên, bản thân các đơn vị sản xuất đã chứng tỏ được năng lực, sự sáng tạo và đặc biệt là không rập khuôn so với phiên bản gốc. Nhiều chi tiết mới được thêm vào, các chi tiết cũ được cải biên khá hợp lý cùng với sự đầu tư bài bản, tương xứng. Đặc biệt, quá trình lựa chọn và diễn xuất của diễn viên cũng góp phần rất nhiều vào thành công, để đủ sức níu chân khán giả qua từng tập phát sóng. Do đó, khi thưởng thức, người xem vẫn cảm nhận được tinh thần Việt Nam đậm nét, thậm chí không phải khán giả nào cũng biết đó là phim được làm lại từ kịch bản nước ngoài. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng phim Đài truyền hình Việt Nam (VFC) từng khẳng định chất lượng nội dung chính là nhân tố số 1 quyết định việc giữ chân khán giả. Do đó, để thành công với phim Việt hóa chưa bao giờ là dễ dàng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là một nền điện ảnh sẽ ra sao nếu chỉ dựa vào sức nóng của những bộ phim Việt hóa, trong khi đó kịch bản thuần Việt lại chưa nhận được nhiều chú ý nơi khán giả. Có hay chăng các nhà làm phim đang thực sự bị đuối và phải cậy nhờ các yếu tố ngoại lai mới có thể thu hút người xem. Bài toán phim truyền hình liệu sẽ được như thế nào để vực lại niềm tin nơi khán giả và lấy lại vị thế như thời kỳ hoàng kim vài năm về trước?
Khán giả truyền hình dường như không cần những gì quá đao to búa lớn hay những hô hào mang tính khẩu hiệu, phong trào. Điều họ cần chính là chất liệu mang đậm hơi thở cuộc sống, những vấn đề gần gũi diễn ra hàng ngày nhưng được kể một cách sáng tạo, được đầu tư thành những bộ phim nghiêm túc.
Truyền hình Việt thời gian vừa qua cũng có những tác phẩm thuần Việt đáng chú ý: Thương nhớ ở ai, Lặng yên dưới vực sâu, Mộng phù hoa, Nếu còn có ngày mai... Để không quá lệ thuộc vào những kịch bản nước ngoài, đã qua rồi cái thời “ăn xổi ở thì” và bản thân đội ngũ biên kịch, hơn ai hết phải ý thức được trách nhiệm của mình, bởi họ chính là người tạo nên linh hồn của bộ phim. Những gì đi vào lối mòn, sáo rỗng hay sự hời hợt đều dẫn đến thất bại. Khán giả Việt chưa bao giờ quay lưng với phim Việt và đó chính là nguồn động lực, niềm tin lớn nhất với những người làm nghề.