Tuy nhiên, sau thành công lớn của Ngọa hổ tàng long, cho đến nay chưa có bộ phim Trung Quốc nào có thể thắng đậm tại Oscar nữa. Vì vậy, sự thành công của Ký sinh trùng khiến mọi người tự hỏi liệu ngành điện ảnh Hàn Quốc sẽ đi theo con đường của Trung Quốc, hay trở thành một hiện tượng mới hoàn toàn.
Theo Korean Times, vào những năm 1990, Hàn Quốc đã gỡ bỏ một số quy định, đồng thời thay đổi chế độ kiểm duyệt vốn khắt khe của mình. Điều này đã giúp cho phim ảnh Hàn Quốc bước vào một kỷ nguyên mới, tạo ra một thị trường mới dành cho những người thích đi xem phim và cho những nhà làm phim tài năng cơ hội phát triển.
Cho Jun-hyoung, nhà nghiên cứu của Cục Lưu trữ điện ảnh Hàn Quốc tại Seoul, cho rằng tại Hàn Quốc có rất ít các nhà làm phim tài năng như đạo diễn Bong Joon-ho. Theo ông, điện ảnh Hàn Quốc đang được thống trị bởi một thế hệ những nhà làm phim trong độ tuổi 50, hay còn được biết đến dưới cái tên “Thế hệ 586”. Đạo diễn Bong cùng với một số nhà làm phim tài năng khác đã góp phần vào sự bùng nổ của ngành điện ảnh Hàn Quốc, bắt đầu từ những năm 1990 đến 2011. Nhưng cũng vì vậy mà những nhà làm phim trẻ xuất hiện sau họ thường phải gánh chịu khá nhiều áp lực. Ít nhà làm phim trẻ nổi bật như Bong, do ông đã góp phần tạo nên các tiêu chuẩn và điều kiện khắt khe của thị trường này.
Ông Cho cũng cho rằng, cho dù điện ảnh Hàn có thể sẽ là đề tài được nhiều người chú ý đến trong vài năm sắp tới nhờ sự thành công của Ký sinh trùng nhưng sự bền vững là một vấn đề khác, nhất là khi những nhà làm phim vĩ đại của đất nước này đều đã qua đỉnh cao trong sự nghiệp của họ. Tương tự, nhà phê bình văn hóa Ha Jae-geun đã bày tỏ sự thận trọng khi nói về sự thành công trong tương lai của điện ảnh Hàn Quốc. Ông tin rằng trong tương lai sẽ có một số bộ phim tiềm năng được ra mắt cùng chất lượng với Ký sinh trùng do bộ phim này đã đặt nền móng cho việc sản xuất phim trong nước, nhưng để thắng những giải lớn trên toàn thế giới như Oscar hay Cannes không dễ.
Trở lại trường hợp của Ngọa hổ tàng long, Christina Klein, một giáo sư tại Trường Đại học Boston của Mỹ, cho biết, dù bộ phim đã thành công vang dội, nó đã thúc đẩy sự nghiệp riêng của Lý An hơn là mở cửa cho toàn bộ thị trường phim ảnh Trung Quốc như mọi người mong đợi. Lý An sau đấy cũng đã được nhận một giải Oscar đạo diễn xuất sắc vào năm 2006 cho bộ phim Brokeback Mountain.
Theo nhà phê bình văn hóa Jung Duk-hyun, sự thành công của phim ảnh Hàn Quốc tại thị trường phương Tây phụ thuộc phần lớn vào thế hệ trẻ. Những người trẻ sẽ dễ chấp nhận những thứ xa lạ với họ, bất kể nguồn gốc hay quốc gia, miễn là sản phẩm đấy khiến họ cảm thấy thích thú. Ngược lại, những thế hệ cũ sẽ khó tiếp nhận chúng hơn. Ông Jung nhận định, do Hàn Quốc không có một thị trường trong nước lớn như Nhật Bản hay Trung Quốc nên đạt đến sự đa dạng sẽ là một ưu tiên lớn nếu Hàn Quốc muốn giữ vững phong độ này và tạo ra nhiều tác phẩm mới gây tiếng vang trên thế giới.