Buổi sinh hoạt đã đưa đoàn đi qua các con đường lịch sử, in dấu chiến công vang dội của các đơn vị Biệt động Sài Gòn trong Chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và những năm tháng chiến tranh ác liệt giữa lòng Sài Gòn - Gia Định.
Tại các địa danh, di tích lịch sử như: hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn, bia tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc tấn công dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, hầm vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn có sức chứa hơn 3 tấn tại số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5 (quận 3), hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn ở số 113 A Đặng Dung, phường Tân Định (quận 1), Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải, quận 1) - nơi trưng bày hơn 300 hiện vật, thư tín, xe cộ của lực lượng Biệt động Sài Gòn... đoàn đã được nghe giới thiệu về hoạt động cách mạng giữa lòng địch của các đội biệt động mưu trí, dũng cảm và gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.
Qua trò chuyện với nữ Biệt động Sài Gòn Trần Thị Yến Ngọc (Thu Bà Điểm), nhân chứng lịch sử Biệt động Sài Gòn tham gia trận tấn công dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, các bạn đoàn viên, thanh niên càng khâm phục lòng quả cảm, mưu trí, dũng cảm của các thế hệ Biệt động Sài Gòn đã có những đóng góp, hy sinh to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.