Thắng lớn nhờ định vị lại thị trường xuất khẩu

Số lượng và giá trị đơn hàng xuất khẩu tăng, đơn giá của nhiều nhóm hàng chạm mốc cao kỷ lục - đó là những tín hiệu tích cực từ kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024. Để có sự chuyển biến ngoạn mục trên, các doanh nghiệp đã dịch chuyển mạnh thị trường xuất khẩu.

Dấu ấn thị trường chủ lực

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 ước đạt gần 300 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kế đến là Trung Quốc, châu Âu, ASEAN, Hàn Quốc, còn lại là các thị trường khác.

G5b.jpg
Chế biến nông sản tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại nông sản Phong Thúy, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhắc lại câu chuyện khó khăn trong xuất khẩu hồi đầu năm, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Quang Minh, cho biết, ngay khi các doanh nghiệp kỳ vọng có thể trở lại đà tăng trưởng mạnh cho xuất khẩu thì cuộc xung đột tại khu vực kênh đào Suez - một trong những tuyến đường hàng hải trọng điểm của toàn cầu, đã làm gián đoạn nhiều đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu và Trung Đông.

Việc tăng chi phí và thời gian giao hàng khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro hàng hóa bị hỏng trước khi đến tay đối tác. Do vậy, việc dịch chuyển thị trường đã được doanh nghiệp khẩn trương tính toán.

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã chọn mở rộng thị phần tại 2 thị trường tỷ dân là Trung Quốc và Ấn Độ. Dễ nhận thấy nhất là nhóm hàng nông, thủy hải sản liên tục gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường này.

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt gần 5,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ và bằng với cả năm 2023. Đây cũng là mức cao kỷ lục của ngành xuất khẩu rau quả từ trước tới nay. Đơn cử, hạt tiêu tăng 42,6%, cà phê tăng 34,8%, chè tăng 33,5%, rau quả tăng 33,2%...

Bà Lâm Mộng Thúy, Giám đốc Công ty Kokofi nhận định, sản phẩm của Việt Nam đã “quen” với nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe từ những thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ… nên gia nhập thị trường Trung Quốc là không khó. Tuy nhiên, trước đây các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tham gia thị trường này do “ngại” cạnh tranh với doanh nghiệp sở tại.

Kinh nghiệm của công ty cho thấy, để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung, ngoài đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xanh hóa sản xuất thì sản phẩm đó phải mang nét đặc trưng, bản sắc của Việt Nam. Sự thành công sản phẩm trà từ các loại thảo dược Việt như tía tô, kinh giới, hoa hòe… của công ty là một điển hình.

Gia tăng giá trị đơn hàng

Việc mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung đã tháo gỡ những lo ngại về tình trạng đứt gãy chuỗi logistics, tạo cơ hội để doanh nghiệp khai thác dư địa thị trường rộng lớn vốn có nhiều điều kiện tương đồng thị hiếu và thuận lợi giao thương. Tuy nhiên, cùng với đó thì những thị trường truyền thống, thị trường mới vẫn được doanh nghiệp Việt kiên trì theo đuổi.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết, từ đầu năm đến nay, trái cây Việt Nam nhất là các loại bưởi, thanh long, xoài, vú sữa… vẫn là những dòng sản phẩm được công ty xuất khẩu đều đặn qua thị trường Hoa Kỳ. Thời gian vận chuyển có nhiều thời điểm bị kéo dài nhưng việc bảo quản đáp ứng tốt nên thị trường này vẫn rất tiềm năng.

Hiện có nhiều yếu tố thuận lợi cho hàng Việt xuất khẩu như giá nhân công, chi phí sản xuất, điện, nước… còn thấp, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tuy nhiên chúng ta cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.

“Do vậy, cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến giao thương, mở thêm nhiều thị trường mới, Bộ Công thương khuyến cáo doanh nghiệp cần có biện pháp chủ động ứng phó trong trường hợp bị khởi kiện điều tra việc phòng vệ thương mại. Có như vậy mới không bị đứt gãy thị trường, chủ động ổn định và phát triển kinh doanh” bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại lưu ý.

Ở nhóm hàng khác, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty Liên kết thương mại toàn cầu, cho rằng, ngoài nỗ lực duy trì thị trường truyền thống thì việc khai thác thêm thị trường mới cũng nằm trong chiến lược của công ty.

Ông Luận chia sẻ, đầu năm nay, công ty liên tục ký được hàng loạt đơn hàng cung ứng sản phẩm cà phê chế biến cho thị trường Trung Đông và thị trường Hala. Sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến từ nông thủy hải sản Việt Nam đang có nhiều lợi thế do mức độ ưa chuộng của người tiêu dùng tại đây tăng mạnh trong hai năm qua. Trước đó, sản phẩm Việt Nam không xa lạ với người tiêu dùng các nước này, nhưng thường xuất hiện với thương hiệu vay mượn.

Những năm gần đây, cùng với chiến lược mở rộng thị phần đi kèm với thương hiệu Việt, sản phẩm Việt ngày càng có vị thế tốt hơn, đơn hàng đối tác theo đó nhiều lên và duy trì ổn định hơn.

Không chỉ số lượng đơn hàng tăng mà doanh nghiệp trong nước còn rất phấn khởi khi đơn giá cũng tăng mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, đơn cử trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá cà phê Robusta đạt gần 5.500 USD/tấn, Arabica đạt 6.000USD/tấn, mức giá cao chưa từng có trong lịch sử. Giá cà phê hợp đồng giao tháng 11 sẽ tăng thêm gần 6%, thiết lập đỉnh lịch sử mới. Ghi nhận chung cho thấy, hiện đã có 30 mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, đặc biệt có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng năng lực sản xuất, phát triển thị trường, TPHCM đang đẩy mạnh chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ vốn lên đến 200 tỷ đồng/dự án doanh nghiệp với mức hỗ trợ lãi suất vay 100%.

Tin cùng chuyên mục