Lời tòa soạn: Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại TPHCM, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Thành ủy TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”, vào ngày 29-12-2017. Những tham luận trong hội thảo là nguồn tài liệu quý để tiếp tục nghiên cứu, hiểu sâu sắc hơn và rút ra các bài học từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Báo SGGP trân trọng giới thiệu, trích đăng một số tham luận; đầu đề do tác giả, hoặc Báo SGGP đặt.
Bà con Việt kiều đón chào đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris vào tháng 8-1968 Ảnh: Tư liệu
Nước cờ quyết đoán
Việc Mỹ leo thang chiến tranh tại Việt Nam, nhất là hoạt động ném bom đánh phá miền Bắc gây rất nhiều tổn thất cho thường dân, khiến nhân dân tiến bộ trên thế giới ngày càng quan ngại. Chính phủ nhiều nước, nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới đã yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh, kêu gọi các bên đi vào đàm phán tìm giải pháp chính trị, ngoại giao.
Trước tình hình trên, Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 13 (1-1967) nhất trí đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chỉ rõ đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao.
“Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái gì mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.28, tr.174).
Về nhiệm vụ cụ thể, mặt trận ngoại giao có nhiệm vụ đề cao lập trường 4 điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tuyên bố 5 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình và giúp đỡ của các nước anh em, nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ.
Ngày 28-1-1967, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài đã nêu rõ: “… Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hành động chiến tranh khác chống lại miền Bắc Việt Nam. Chỉ sau khi Mỹ thực hiện điều này thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ có thể nói chuyện”.
Cuối năm 1967, ngoại giao Việt Nam đi thêm một nước cờ quyết đoán hơn. Ngày 29-12-1967, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: “Sau khi Hoa Kỳ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ nói chuyện với Mỹ về những vấn đề có liên quan”. Nội dung tuyên bố này cơ bản giống với tuyên bố ngày 28-1-1967, nhưng đã chuyển từ “có thể nói chuyện” sang dứt khoát “sẽ nói chuyện”.
Các nước xã hội chủ nghĩa, phần lớn các nước Không liên kết, các phong trào hòa bình, thậm chí một số nước phương Tây (Na Uy, Thụy Điển…) đều lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ tuyên bố của ta, tạo sức ép quốc tế rất lớn yêu cầu Mỹ và chính quyền Sài Gòn có giải pháp kết thúc chiến tranh. Mặt khác, việc ta đưa ra tuyên bố quan trọng trên ngay trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 khiến đối phương có phần chủ quan, cho rằng Việt Nam đã yếu thế, buộc phải “xuống nước”. Từ đó đánh giá thấp khả năng ta tiến hành “đánh lớn”.
Sức mạnh cộng hưởng
Trong thời gian diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đi thăm nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với lãnh đạo và nhiều tầng lớp xã hội để làm rõ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành. Nhờ vậy, phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam ngày càng dâng cao. Hàng ngàn cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành “Vì Việt Nam” diễn ra tại nhiều thủ đô lớn trên thế giới.
Một nhiệm vụ rất quan trọng của mặt trận ngoại giao thời điểm này là cần phát huy mạnh mẽ các hình thức hoạt động để tranh thủ sự ủng hộ ngay trong lòng nước Mỹ, thông qua các phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ. Ta cũng khéo léo triển khai nhiều biện pháp, như: mời một số nhà báo, phóng viên Mỹ đến miền Bắc để tận mắt chứng kiến và đưa tin trung thực, khách quan về sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn với dân thường. Chính những tin tức, hình ảnh, bài viết của các nhà báo tạo ra sức mạnh cộng hưởng, tiếp thêm động lực cho các phong trào phản chiến diễn ra ngày càng rầm rộ. Tỷ lệ ủng hộ đường lối tiến hành chiến tranh của chính quyền Johnson giảm sút nghiêm trọng. Những cuộc bỏ phiếu thăm dò cho thấy phần đông công chúng “có niềm tin vững chắc rằng Mỹ đã sa lầy một cách vô vọng cùng với nỗi nghi ngờ ngày càng tăng đối với khả năng Johnson phá thế bế tắc” (George. C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.259).
Còn nhà Sử học Mỹ Gabriel Kolko khẳng định chính quyền phải đương đầu với một tình hình chưa từng có, “sự nhất trí về chính sách đối ngoại giữa cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp và công chúng bị sụp đổ hoàn toàn” (Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.359).
Mặt trận ngoại giao cũng đã thành công trong việc tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ và sự giúp đỡ chí tình từ các nước xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn khó khăn, Trung ương Đảng đã rất sáng suốt, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, kiên trì trao đổi, tranh thủ ủng hộ. Sự trao đổi chân thành, kiên định ở cấp cao giúp ta tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, cả về tinh thần và vật chất, nhất là trong thời gian ta tập trung nhân lực, vật lực cho tổng tiến công.
Chia lửa với chiến trường
Đợt 1 cuộc tổng tiến công đã giáng đòn “choáng váng”, buộc Tổng thống Mỹ Johnson, ngày 31-3-1968, phải tuyên bố đơn phương ngừng ném bom khu vực Bắc vĩ tuyến 20, “sẵn sàng tiến tới hòa bình thông qua thương lượng” và sẽ cử đại diện Mỹ đến bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào. Tuyên bố này chính là sự thừa nhận thất bại trong leo thang chiến tranh ở miền Bắc và “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam.
Dù đề nghị của Mỹ chưa đáp ứng yêu cầu hoàn toàn chấm dứt ném bom miền Bắc, nhưng ta đã quyết định nắm lấy cơ hội mở ra đàm phán trực tiếp với Mỹ để kiềm chế, kéo Mỹ vừa đàm phán vừa xuống thang chiến tranh; giương cao ngọn cờ chính nghĩa, thiện chí đàm phán, tranh thủ dư luận và bạn bè quốc tế. Trước mắt là hỗ trợ những đợt tiến công tiếp theo, chia lửa với chiến trường.
Này 3-4-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố: sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện. Tuyên bố thực sự gây bất ngờ với phía Mỹ. Bởi, trong chính giới Washington, nhiều nhân vật có ảnh hưởng chính trị chưa nghĩ tới khả năng đàm phán khi chiến trường còn diễn biến quyết liệt. Chính quyền Mỹ tỏ ra lúng túng. Tranh thủ điều kiện mới, ta tiếp tục tiến công về ngoại giao, yêu cầu Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc, chứ không chỉ ngưng từ phía Bắc vĩ tuyến 20 trở ra. Mặt trận ngoại giao phối hợp với quân và dân trên chiến trường bắt đầu hình thành cục diện đánh - đàm.
Từ tháng 5-1968, ta chính thức mở đàm phán với Mỹ tại Paris. Suốt thời gian diễn ra đợt 2 và 3 của cuộc tổng tiến công, tại bàn đàm phán, ta kiên quyết đấu tranh đòi Mỹ xuống thang chiến tranh ở miền Nam, chấm dứt hoàn toàn ném bom không điều kiện miền Bắc. Ta kiên quyết bác bỏ các đề xuất không hợp lý của Mỹ về quân sự, như: khôi phục khu phi quân sự, không tăng chi viện cho miền Nam…
Phát huy thành quả trên chiến trường, ta buộc Mỹ chính thức xuống thang chiến tranh. Việc ta quyết định chấp thuận đàm phán bốn bên và duy trì kênh đàm phán trực tiếp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Mỹ góp phần “trói chân” Mỹ vào đàm phán Paris, phát huy thành quả to lớn của Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Điều đó càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chính quyền mới thắng cử R. Nixon sẽ có điều chỉnh chiến lược đối với chiến tranh tại Việt Nam; song không thể từ bỏ đàm phán. Việc ta buộc Mỹ chấp nhận vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng góp phần phân hóa Mỹ - chính quyền Sài Gòn. Việc đạt thỏa thuận về đàm phán bốn bên cũng là minh chứng cho đường lối đúng đắn của Đảng khi thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Những kinh nghiệm quý báu
Thực tiễn đấu tranh trên mặt trận ngoại giao trong thời gian diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 giúp chúng ta rút ra một số bài học quan trọng.
Một là, giữ vững nguyên tắc kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Song song đó, đấu tranh ngoại giao cần phát huy tinh thần độc lập, tích cực, chủ động. Nhờ vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, mặt trận ngoại giao đã góp phần đánh lạc hướng nhận định, khoét sâu sai lầm chiến lược của đối phương; giữ vững thành quả trên chiến trường bằng những cam kết công khai từ đối phương, khuếch trương thắng lợi và tranh thủ sự ủng hộ to lớn về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, trực tiếp đóng góp vào chiến thắng và chi viện cho chiến trường.
Hai là, theo dõi chặt chẽ những diễn biến tình hình khu vực, trên trường quốc tế có liên quan. Mặt trận ngoại giao cần có bước đi phù hợp, tranh thủ tối đa những thuận lợi, hạn chế những tác động tiêu cực đến sự nghiệp cách mạng trong nước. Trong bối cảnh quốc tế và phong trào cách mạng thế giới diễn biến rất phức tạp, cuộc kháng chiến của nhân dân ta vẫn tranh thủ được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ từ nhiều quốc gia. Thành quả ấy có nhờ chiến lược, sách lược đúng đắn của Đảng.
Ba là, phát huy nhiều hình thức, biện pháp tiến công trực diện kẻ thù, khai thác tối đa mâu thuẫn nội bộ, đẩy đối phương vào tình thế ngày càng bị cô lập. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngoại giao ta góp phần to lớn thúc đẩy phong trào phản chiến của các tầng lớp nhân dân Mỹ, tạo áp lực đối với chính quyền Johnson. Ta cũng đẩy mạnh tố cáo thái độ ngoan cố, hiếu chiến, làm tăng mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Sài Gòn…; từ đó tạo lợi thế trong cục diện “đánh - đàm”. Qua đó, công tác ngoại giao phát huy những thắng lợi đạt được, góp phần khắc phục những khó khăn ở chiến trường.