Một cách “đứng trên vai người khổng lồ”
Hoàng Tường Vy (sinh năm 1996, là họa sĩ truyện tranh tại TPHCM) được ghi nhận như là một trong những họa sĩ thế hệ trẻ đầu tiên khai thác yếu tố văn hóa dân tộc với cách nhìn mới mẻ, độc đáo. Bắt đầu từ cuối năm 2022, Tường Vy ra mắt tập đầu của bộ truyện tranh Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm (Comicola và NXB Dân trí).
Ngay trong tối mở bán, trên 1.000 bản sách đã được bán hết, trong đó, hơn một nửa số lượng bản đặc biệt đã được các độc giả đặt trước, trở thành một hiện tượng xuất bản khi đó. Đến nay, tác phẩm đã ra đến tập 4 và từng nhận giải đồng, giải thưởng Truyện tranh manga quốc tế Nhật Bản lần thứ 16 năm 2022 do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức. Bộ truyện tranh Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm có nét vẽ mang phong cách cổ trang, thuần Việt với ý tưởng độc đáo là câu chuyện tình yêu giữa một thầy đồ và một thầy lang.
Giống như Hoàng Tường Vy, ngay từ khi tập 1 của bộ truyện tranh Tàn lửa (NXB Kim Đồng) của họa sĩ trẻ Lilywiu (tên thật là Lê Lợi Thư Đình) ra mắt vào tháng 3-2024, đã được bạn đọc yêu mến và tái bản sau 2 tháng phát hành. Đầu năm 2025, họa sĩ trẻ Lilywiu ra mắt tập 2 và nhận được phản hồi rất tích cực từ bạn đọc. Tàn lửa dự kiến gồm 7 tập, lấy cảm hứng từ bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 1930, khi giá trị truyền thống và tân thời đang trộn lẫn. Tàn lửa nổi bật với nét vẽ chi tiết, cách kể chuyện lớp lang và tư duy thẩm mỹ đậm chất văn hóa Việt. Lilywiu đã kết hợp hài hòa giữa yếu tố lịch sử, văn hóa với kiến trúc nhà cổ và trang phục truyền thống, tạo nên một tác phẩm vừa hiện đại, vừa mang bản sắc dân tộc.
Trong những năm qua, NXB Kim Đồng đã khai thác thành công một số tác phẩm sử dụng chất liệu lịch sử, văn hóa, văn học…, như: Cổ tích Việt Nam bằng thơ, Lịch sử Việt Nam kể bằng thơ (Thái Bá Tân), bộ sách 3 tập Cổ tích tiền thân (Nguyên Hương). Thậm chí có trường hợp, NXB Kim Đồng đã mạnh dạn khơi gợi, tin cậy đặt hàng tác giả trẻ để làm nên tác phẩm ấn tượng theo hướng này. Các tác giả trẻ đã định vị và tự nâng được mình lên qua một số tác phẩm như Thiện và Ác và Cổ tích (Thủy Nguyên), Truyện Kiều tự kể (Cao Nguyệt Nguyên), Những khán giả ngồi trong bóng tối (Hiền Trang), Cuộc phiêu lưu của Dế Út (Linh Rab)…
“Nếu như 10 năm trở về trước, người trẻ bước vào sáng tác với sự bối rối, mất phương hướng, không biết viết gì, thì những năm gần đây, người viết trẻ đã đến với lao động chữ nghĩa điềm tĩnh, chắc chắn và có chiều sâu hơn. Trong số đó, có không ít người nghiêng qua hoặc dựa hẳn vào chất liệu lịch sử, văn hóa, văn học dân gian, văn học kinh điển… để làm nguồn cơn, nguồn dưỡng chất, đường dẫn cho các sáng tác của bản thân”, nhà văn Văn Thành Lê nói.
Nhà văn Văn Thành Lê, Giám đốc chi nhánh NXB Kim Đồng tại TPHCM, cho rằng, việc khai thác chất liệu lịch sử, văn hóa, văn học… là một cách “đứng trên vai người khổng lồ”, bởi bản thân lịch sử, văn hóa đã là những giá trị, đảm bảo về sức sống lâu bền. “Tất nhiên, để khai thác thành công đề tài này là rất khó. Nếu không khéo, không chắc tay thì tác phẩm dễ trở thành cái bóng của chất liệu gốc, nhạt nhòa”, nhà văn Văn Thành Lê cho biết.
Phân biệt ranh giới hư cấu và xuyên tạc
TS Lê Hồng Phước, Trưởng Khoa Ngữ văn Pháp, Trường ĐH KHXH-NV - ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, văn hóa, lịch sử, luôn là một chủ đề rất quan trọng mà các ngành nghệ thuật cần phải khai thác. Ngoài thỏa mãn đam mê sáng tạo nghệ thuật, đề tài này còn phục vụ công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế mà giờ đây được gọi là quyền lực mềm. Đặc biệt, thông qua những tác phẩm này còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa Việt.
Cũng theo TS Lê Hồng Phước, để làm được điều này, ngoài nỗ lực của người sáng tác còn cần cả sự khích lệ, hỗ trợ của nhiều phía, nhất là sự hỗ trợ của các nhà sử học, nhà phê bình. Chẳng hạn như việc hỗ trợ người sáng tác phân biệt rõ ranh giới giữa hư cấu và xuyên tạc. Người viết có quyền hư cấu nhân vật nhằm làm sáng tỏ những điểm mờ, khoảng trống của lịch sử nhưng không có quyền xuyên tạc lịch sử. “Chẳng hạn một nhân vật bán nước mà lại viết thành yêu nước là không được. Người sáng tác phải nhận rõ ranh giới giữa hư cấu và xuyên tạc, và phải sẵn sàng chịu trách nhiệm với cái mình làm. Muốn được như vậy đòi hỏi phải có kiến thức, hiểu rõ về lịch sử hoặc lĩnh vực mà mình đang muốn sáng tác”, TS Lê Hồng Phước bày tỏ.