Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2024 (15-11 đến 15-12-2024): Gỡ bỏ rào cản trong phòng chống HIV/AIDS

Thời gian qua, dù ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, nhất là trong nhóm thanh thiếu niên trẻ. Việc tiếp cận với các dịch vụ y tế liên quan đến phòng chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều rào cản, ngăn trở người nhiễm căn bệnh này hòa nhập với cộng đồng.

Nhân viên một trung tâm xét nghiệm tư nhân tư vấn cho người bệnh nhiễm HIV
Nhân viên một trung tâm xét nghiệm tư nhân tư vấn cho người bệnh nhiễm HIV

Người nhiễm HIV đang trẻ hóa

Theo PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), dịch HIV/AIDS hiện vẫn diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục, nhất là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), chiếm hơn 40% số ca phát hiện hàng năm. Bên cạnh đó, số người nhiễm HIV cũng đang có xu hướng trẻ hóa; một số tỉnh, thành phố đã phát hiện người nhiễm HIV ở lứa tuổi vị thành niên, là học sinh

lớp 10, 11. “Dự báo số người nhiễm HIV trong nhóm MSM tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lý do là đặc tính nhóm này sinh sống trải đều ở các tỉnh, thành phố, khó tiếp cận theo vùng như đối với người nghiện ma túy trước kia; cùng với đó, mạng xã hội phát triển với các hội, nhóm dành riêng cho người có nhu cầu quan hệ tình dục đồng giới nở rộ, khiến họ dễ dàng tìm kiếm và tiếp xúc nhiều bạn tình”, PGS-TS Phan Thị Thu Hương thông tin.

Bác sĩ Văn Hùng, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mạn tính, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết, mỗi năm TPHCM phát hiện khoảng 4.000-5.000 người nhiễm HIV mới. Qua giám sát trọng điểm hàng năm, tỷ lệ lây nhiễm HIV trên nhóm nghiện chích ma túy được ghi nhận dưới 5% vào năm 2023, giảm hơn một nửa so với năm 2019; tỷ lệ trên nhóm phụ nữ mại dâm tiếp tục theo chiều hướng giảm, khoảng 2%-3%; ghi nhận ở mức cao (12,3%) ở nhóm MSM. Quan hệ tình dục vẫn là đường lây nhiễm HIV được ghi nhận chủ yếu với nhóm tuổi từ 23-39, trong đó nam giới chiếm hơn 90%. Còn theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch HIV/AIDS tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao; đối tượng nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa.

9 tháng năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 11.400 trường hợp mới dương tính với HIV (trong đó 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là 15-39). Hiện cả nước có khoảng 267.000 người đang sống chung với HIV. Đáng lưu ý, gần 70% trường hợp nhiễm HIV mới tập trung chủ yếu ở khu vực ĐBSCL (31,2%), Đông Nam bộ (12,8%) và TPHCM (24,3%); độ tuổi 15-29 nhiễm HIV có xu hướng tăng cao.

Công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS

Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể nhằm bảo đảm mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng.

Theo PGS-TS Phan Thị Thu Hương, để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu công bằng trong tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được cung cấp cho tất cả mọi người dựa trên nhu cầu thực tế của họ, thay vì dựa vào khả năng tài chính, địa vị xã hội, hoặc các yếu tố khác. Bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV/AIDS là việc bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, tuổi tác, dân tộc, khu vực sinh sống, tình trạng kinh tế hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào khác, đều có quyền sử dụng các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS mà không bị phân biệt đối xử.

“Kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030 mà Việt Nam đang hướng tới không có nghĩa là không còn ca nhiễm mới hay ca tử vong do AIDS, mà bảo đảm rằng AIDS không còn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, với các tiêu chí như số ca nhiễm HIV mới dưới 1.000 ca mỗi năm và tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con dưới 2%”, PGS-TS Phan Thị Thu Hương thông tin.

Theo bác sĩ Văn Hùng, kiểm soát dịch HIV/AIDS tại TPHCM đã có những thành tựu đáng kể so với tiến độ chung của quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại, so với mục tiêu của chiến lược quốc gia chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030 với 3 mục tiêu 95-95-95 thì TPHCM có 93% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 92% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 98% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Riêng với hoạt động điều trị thuốc kháng virus HIV (PrEP), tại TPHCM hiện có 39 cơ sở y tế triển khai thực hiện, bao gồm 23 trung tâm y tế, 2 bệnh viện, 14 phòng khám tư.

Tính đến nay, TPHCM có 16.262 khách hàng đang sử dụng PrEP, tỷ lệ người sử dụng PrEP tiếp tục uống PrEP từ 3 tháng trở lên đạt trên 70%. Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã triển khai thí điểm nhiều mô hình cung cấp PrEP mới để tăng cường độ bao phủ, tìm kiếm khách hàng nguy cơ để giới thiệu đến dịch vụ như: mô hình PrEP detailing, mô hình PrEP từ xa…

Hôm nay (30-11), tại quận 8, UBND TPHCM phối hợp Sở Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12), với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS”. Đây là hoạt động thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế; đồng thời phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng, không bị phân biệt đối xử.

Tin cùng chuyên mục