Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng kim ngạch 11 tháng lên 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp đạt 16,46 tỷ USD, tăng mạnh 52,8% so với cùng kỳ này năm trước.
Trong số các mặt hàng cụ thể, Việt Nam có 7 mặt hàng đạt thặng dư thương mại trên 1 tỷ USD. Nổi bật nhất là gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 19,4%), rau quả (tăng 33,9%), cà phê (tăng 30,5%) và gạo (tăng 14,6%). Các mặt hàng tôm, cá tra và hạt tiêu cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, trong đó hạt tiêu tăng mạnh nhất với 43,5%.
Châu Á vẫn là thị trường lớn nhất cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, chiếm 48,2% thị phần; tiếp theo là châu Mỹ (23,7%) và châu Âu (11,3%). Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sang châu Âu tăng 30,4%, sang châu Mỹ tăng 23,6% và sang châu Á tăng 16,1%. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 24,6%, Trung Quốc tăng 11% và Nhật Bản tăng 5,5%.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, thành tựu này đến từ sự đổi mới trong sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và tập trung mở rộng thị trường tiềm năng. Với thặng dư thương mại tăng mạnh và nhiều mặt hàng lập kỷ lục mới, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần củng cố vị thế Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Những kỷ lục mới trong xuất khẩu gạo
Theo Bộ NN-PTNT, ngành lúa gạo đạt mốc xuất khẩu lịch sử với gần 8,5 triệu tấn và 5,31 tỷ USD, tăng 22,4% về giá trị so với năm 2023. Philippines là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm 46,1% thị phần, tiếp đến là Indonesia (13,5%) và Malaysia (8,2%). Xuất khẩu gạo sang Malaysia tăng 2,2 lần, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh 71,3%.