Hương thơm này quện với miếng thịt bò hầm mềm, nén chặt gói trong lá chuối, thêm vị cay nồng của tiêu bắc, thơm ngọt và cay nóng của thảo quả, thêm cảm giác giòn sần sật của nấm tai mèo, khi chấm vào bát nước mắm cốt vắt chút chanh và thái vài miếng ớt đỏ, ăn kèm theo dưa hành muối thì đúng là tết thật chứ còn gì nữa. Tết trong từng miếng ăn đặc trưng.
Không khí tết đến với mọi nhà thường là vào dịp 23 tháng chạp, cúng tiễn ông Táo chầu trời. Vào ngày này, mẹ nấu bánh trôi nước và mua cá chép vàng ngoài chợ từ sáng để chiều thả cho cụ Táo có phương tiện về trời. Ngày này, nhà nhà cũng bắt đầu dựng cây nêu treo lá cờ. Theo sự tích, thời xa xưa quỷ bị người đuổi ra biển cả, thương tình mỗi năm một lần, Phật cho quỷ về thăm phần mộ tổ tiên vào ba ngày tết. Để xua đuổi quỷ vào nhà thì con người dựng cây nêu cao treo một vật gì đó như lá bùa, cành dứa hoặc rải muối xung quanh để quỷ sợ mà không dám vào nhà hại người.
Phố phường mấy năm nay rợp những hàng cây nêu nhấp nháy đèn điện. Hồi bố còn thì bố sẽ vào trong xóm để chọn một cây tre cao và thẳng, tỉ mỉ cắt tỉa cành rồi dựng cây nêu. Nhưng giờ thì cây nêu được bán sẵn hết, chỉ cần mua là có người tới tận nhà dựng cho.
Vào chiều 23 tết, nhà nhà nô nức ra sông thả cá chép, để ông Táo về trời tâu với Ngọc Hoàng mọi việc trong năm và cầu may mắn cho năm mới. Quê tôi chiều 23 tết ra sông thả cá đông như hội, xe ô tô, xe máy đậu kín dọc đường dẫn tới bờ sông. Gặp nhau ai cũng vui vẻ nói cười chào hỏi. Tôi đi làm về sớm, chở con gái nhỏ cùng đi để con biết phong tục quê hương mình. Có cái vui nhưng cũng có cái man mác buồn cho một năm nữa lại sắp qua đi. Cảm nhận rõ rệt hơn bước chuyển của thời gian. Mỗi năm qua đi thì thêm một tuổi mới, con trẻ thì lớn lên, trưởng thành hơn, còn ông bà bố mẹ thì lại già đi.
Từ 25 tới tận chiều 29 tết, chợ búa tấp nập người mua sắm tết. Ông nội bắt đầu mua ống giang chẻ lạt để sẵn đó để gói giò và gói bánh chưng. Rồi chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh và lá dong. Ông đóng cái khuôn gỗ nhỏ để gói bánh cho vuông vức. Từng lớp lá dong, lá chuối được đặt khéo léo theo lớp. Gạo nếp thì ngâm trước đó, xóc thêm muối, cho thêm nước lá cơm nếp để bánh xanh và thơm. Đậu xanh đồ chín giã nát rồi viên thành từng cục làm nhân bánh cùng với thịt ba chỉ. Chọn loại thịt nhiều mỡ chút rồi ướp hành khô, nước mắm và tiêu bắc cho thơm. Bánh chưng nấu xong thì còn phải ép bằng miếng ván đè đá nặng phía trên cho ráo nước và chắc bánh. Tôi lăng xăng chạy quanh nhìn ngó rồi bắt chước ông gói bánh và cũng tự gói cho mình một chiếc nhỏ xíu.
Đêm nấu bánh chưng là đêm hội với cả nhà, nhất là lũ trẻ. Trong tiết trời giá lạnh của ngày cuối năm, ai cũng háo hức xúm quanh trông nồi bánh, đun thêm củi, châm thêm nước và không thể quên vùi những củ khoai lang vào tro than bếp sẵn đó để nướng. Nhà đông người thì ăn gì cũng vui cũng ngon. Mà thật ra chỉ cần cả nhà quây quần ngồi cùng nhau bên nồi bánh chưng tết đã là vui rồi. Đứa nào đứa nấy hăng hái nhận thức đêm trông nồi bánh chưng, nhưng khi tới hơn 11 giờ tối thì thường đã không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ rồi. Có một năm mưa phùn gió bấc, tôi có bài cần học và tiện thể một mình thức trông bánh chưng dưới bếp tới sáng.
Vào đúng giao thừa, bố treo một dây pháo to trước nhà rồi châm đốt. Tiếng pháo nổ đanh, xác pháo đỏ cả một góc sân, mùi pháo thơm đặc trưng in đậm trong tâm trí tôi. Đốt pháo xong thì trẻ con xúm lại nhặt những quả pháo lép. Thằng cu em tôi có lần nhặt được quả pháo tưởng lép mà khi cầm lên thì nó nổ luôn trên tay, sợ xanh mắt mèo. Sợ vậy nhưng chả có đứa nào chừa. Người lớn thì chơi pháo to còn trẻ con thì chơi pháo tép. Dây pháo tép nhỏ xíu, đốt kêu lẹt đẹt.
Mỗi năm mỗi khác, mỗi thời mỗi khác, kể một chút về những chuyện xưa cũng là dịp ôn cố tri tân. Để nhớ về một thời tiếng pháo nổ, để nhớ cái ngon của miếng giò bò gia truyền, nhớ những đêm thức trông nồi bánh chưng tết. Để nhớ một thời ta là trẻ con háo hức đón tết. Giờ thì trưởng thành, đã là bố của các con nhỏ, thì giống bố mẹ xưa, muốn lo cho các con một cái tết đủ đầy. Nay thì không còn lo thiếu cái ăn nữa, mà chỉ lo các con không còn biết đến hương vị tết cổ truyền, tết của ngày xưa.
LÊ NGỌC SƠN