Bạn già ở miền Nam gọi điện than thở: “Năm nay ông giời lấy mất của Hà Nội một mùa đông. Ngày tết nắng chang chang, làm người ở trong này ra cụt hứng!”. Mình bảo: “Còn may đấy, mấy hôm nay đã có mưa phùn!”.
Thành phố bảng lảng như say trong ánh đèn vàng những con phố vắng. Màn đêm tĩnh lặng đến bất ngờ. Rung rinh bóng sáng đổ xuống mặt đường rười rượi ướt. Người và xe còn say ngủ, dù đã 5 giờ sáng. Giờ mọi ngày tiếng động cơ đã gầm rú trên những nẻo đường dẫn vào trung tâm thành phố. Giờ của những chợ cóc lục tục bày hàng ra vỉa hè. Giờ của tiếng loa tập aerobic thập thình sôi sục trên các vườn hoa, công viên. Giờ của những quán ăn đêm thu dọn hàng với tiếng chổi tre chệch choạc buồn ngủ. Thành phố đã không còn lấy vài giờ yên tĩnh mỗi ngày nếu như không có mưa phùn.
Minh họa: D.Khanh
Thế hệ mình có nhiều người đã tình nguyện rời xa ký ức Hà Nội để vào Nam lập nghiệp. Có người cần cù chăm chỉ tích cóp rồi cũng trở thành kín đáo giàu. Cũng có người trời cho trở thành những nghệ sĩ có tên tuổi. Số còn lại trời phạt. Đã chẳng nên cơm cháo gì mà còn tự đánh mất đi phần ký ức tươi đẹp nhất về nơi chôn nhau cắt rốn. Số này thỉnh thoảng gọi điện ra Hà Nội hỏi mình về những chuyện xa lơ xa lắc. Về cái thời mà bây giờ cũng chỉ còn trong ký ức của mình. Mình thường trả lời bằng ký ức ấy. Đại khái cầu Long Biên mấy hôm nay tuyệt đẹp. Chẳng khác gì hơn 40 năm trước. Vẫn những nhịp cầu xám xịt đứt nhịp buồn tẻ nằm vắt qua dòng sông êm đềm cạn. Vẫn nhìn xuống bãi giữa xanh rì một màu ngô non. Vẫn đoàn tàu hỏa lừ đừ gõ bánh trên những ray sắt mòn han gỉ xộc xệch. Vẫn lác đác bóng người khoác áo mưa lủi thủi chệnh choạng xe đạp trên cầu. Tất cả ẩn hiện mơ hồ trong mưa phùn tháng ba. Đằng xa, phía mái nhà bát giác Bảo tàng Lịch sử vẫn thấy nhói lên màu hoa gạo đỏ thắm trầm tư. Cây gạo già nua đã gãy đi những tay cành cũ kỹ dưới thấp. Chỉ còn lại vài cành trên ngọn cong queo thoi thóp giữa bạt ngàn bê tông và kính cao ốc. Đó là cây gạo cuối cùng trong thành phố còn đọng lại trong trí nhớ lớp người Hà Nội đã trở thành cũ kỹ.
Hà Nội có ba cây gạo làm nên những ký ức tháng ba như thế. Cây ở góc Văn Miếu phía Hàng Bột. Cây trước cửa đền Ngọc Sơn và cây ở Bảo tàng Lịch sử. Thực ra thì ven hồ Hoàn Kiếm còn một cây nữa ở phía đường Đinh Tiên Hoàng. Nhưng nó chưa đủ lớn và khuất lấp trong đám cây lộc vừng, cây gáo cổ thụ xung quanh. Cây gạo này thường chỉ được nhìn thấy khi đứng ở bên hồ đối diện. Và cũng chỉ khi nó ra hoa.
Cây gạo góc Văn Miếu dưới gốc có miếu Hai Cô. Chẳng biết là cô nào. Ngày rằm, mồng một người đi lễ đông như trẩy hội. Tín chủ ở đấy phần lớn là dân đánh đề, người buôn bán nhỏ và các cô nàng sôi sục chuyện tình duyên. Chỉ có điều họ cầu xin là thật. Chẳng ai biết thật sự mình đang xin ai. Chuyện kể rằng đó là nơi có hai cô gái trẻ chết vì tai nạn tàu điện. Truyền thuyết này chắc chắn dựa trên thực tế góc đường ấy là nơi tàu điện chia làm hai ngả. Một chạy thẳng vào Cầu Giấy. Ngã rẽ là vào Hà Đông. Lũ trẻ Hà Nội những năm 1960 coi đoạn này là chỗ nhảy tàu lý tưởng bởi lái tàu bao giờ cũng giảm tốc độ. Thế nhưng đông người nhảy tàu thì ắt nhiều tai nạn. Và cây gạo vài trăm năm tuổi ở đấy sẽ là chứng nhân bất đắc dĩ. Tàu điện đã dỡ bỏ từ cuối thập kỷ 1980. Cây gạo cũng chết vào cuối những năm 1990 rồi.
Cây gạo cửa đền Ngọc Sơn tương truyền rằng do Phó bảng Nguyễn Văn Siêu trồng khi ông cho xây dựng Đài Nghiên - Tháp Bút trước cửa đền vào năm 1865. Như thế thì nó cũng có tuổi đời cho đến thế hệ chúng mình là khoảng trăm năm có lẻ. Nó đã nở hoa trong suốt chiều dài ký ức chúng mình từ khi còn nhỏ. Những đóa hoa mập mạp chói đỏ rụng xuống cửa đền tháng ba đẫm ướt mưa phùn. Lũ trẻ ra nhặt xâu thành chuỗi dài đeo quanh cổ chơi trò cô dâu chú rể. Vài đứa về sau nên duyên vẫn về thăm lại cây gạo này. Bây giờ đi qua đấy có đứa vẫn nhắc, dù chẳng còn bông hoa gạo nào cả. Thật ngạc nhiên khi có những mối tình Hà Nội còn bền chắc hơn cổ thụ.
Tháng ba mưa phùn rét ngọt. Cảm ơn ông trời đã mang về cho chúng mình cả một lung linh ký ức thời tươi đẹp nhất. Cảm ơn bạn ở xa cũng gợi lại nguồn cơn để mình cùng nhớ. Không có bạn nhắc nhở, Hà Nội cũng không còn bao nhiêu dấu vết làm cho mình nhớ về ngày ấy. Bạn cũng chính là ký ức đấy thôi!
ĐỖ PHẤN