Theo Ban hạ tầng, bể tiêu bùn (gồm 3 bể) là một trong những hạng mục lớn và quan trọng của quy trình công nghệ của nhà máy xử lý nước thải.
Khí được tạo ra sau quá trình phân hủy bùn sẽ được lưu trữ trong hạng mục bể trữ ga dùng để chạy máy phát điện và cung cấp khoảng 20% nhu cầu điện cho nhà máy. Bên cạnh đó, nhà máy còn có hệ thống pin mặt trời cung cấp khoảng 13% nhu cầu điện và nâng tổng điện năng lượng tái tạo cho nhà máy lên khoảng 33%.
Việc hoàn thành hạng mục này đánh dấu hoàn thành một trong những hạng mục chính của nhà máy. Qua đó, tiến độ của các hạng mục tiếp theo sẽ được đẩy nhanh và dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2025.
Theo Ban hạ tầng, đến nay Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM (giai đoạn 2) đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống thu gom, xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức); xây dựng hệ thống cấp 2, 3 khu vực Thảo Điền, Nam Thảo Điền, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây. Trong đó hệ thống cống bao đường kính 3.200mm dài khoảng 8 km. Riêng Nhà máy xử lý nước thải 480.000m3/ngày đêm đã cơ bản hoàn thiện phần xây thô.
Nhà máy xử lý nước thải có công suất thiết kế 480.000 m3/ngày đêm với lưu lượng lớn nhất là 34.000 m3/h. Nhà máy áp dụng công nghệ xử lý sinh học MBBR, sử dụng các giá thể dạng di động cho vi sinh vật bám dính và phát triển để loại bỏ các chất hữu cơ trong nước thải, đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Nước thải sau khi được xử lý đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường sẽ được xả ra sông Đồng Nai. Hiện nay, tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của TPHCM là 644.000 m3/ngày, đạt khoảng 40% lượng nước thải hàng ngày, với việc hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TPHCM sẽ nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên hơn 1,1 triệu m3/ngày đêm trên tổng số nước thải sinh hoạt của thành phố thải ra hằng ngày là 1,6 triệu m3/ngày đêm (tương đương xử lý khoảng 70% lượng nước thải ra hàng ngày). Vì vậy, dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với môi trường sống của người dân TPHCM.
Dự án triển khai thực hiện từ năm 2015 đến tháng 12-2026. Tổng vốn đầu tư hơn 11 ngàn tỷ đồng (tương đương 524 triệu USD). Cụ thể, nguồn vốn ODA (450 triệu USD), trong đó, vốn vay Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (IDA 200 triệu USD); vốn vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD 250 triệu USD). Vốn đối ứng ngân sách TPHCM 74 triệu USD.
Dịp này, đồng chí Bùi Xuân Cường thăm, động viên và tặng quà Tết Nguyên đán Ất Tỵ cho công nhân, kỹ sư đang thi công trên công trường.
>>> Một số hình ảnh Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường thăm chúc tết tặng quà công nhân, kỹ sư thi công Nhà máy xử lý nước thải: