Ký ức màu máu
Tháng 7-1984, Sư đoàn 356 được Thiếu tướng Lê Duy Mật, Chỉ huy trưởng mặt trận tại Hà Giang, giao nhiệm vụ cùng các sư đoàn khác thực hiện chiến dịch phản kích, tái chiếm những cao điểm 468, 1509, 1100, 772, 685, nằm sâu trong địa phận Vị Xuyên (Hà Giang) mà quân Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép trước đó. Chiến dịch mang bí số MB.84.
Sáng 12-7, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 vượt “ngã 3 tử thần” Thanh Thủy tiến lên cao điểm 468, nơi quân Trung Quốc đã bố trí trận địa pháo cao xạ để chặn đường ra tiền tuyến của quân ta hơn một năm ròng. Giành lại cao điểm 468 từ tay giặc trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” khiến Trung đoàn 876 chỉ trong một ngày 12-7-1984 đã hy sinh 593 cán bộ, chiến sĩ (có 3 tiểu đoàn trưởng, 2 tiểu đoàn phó và 2 chính trị viên tiểu đoàn).
Trong cuộc chiến giành lại những cao điểm 772, 1509, 1030, 685, 468 tại Vị Xuyên những năm tháng bi hùng ấy, đã có gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, và UBND tỉnh Hà Giang đã chọn ngày 12-7 là ngày “Giỗ trận” chung cho những chiến sĩ vị quốc vong thân tại chiến trường Vị Xuyên.
Ngay tại cao điểm 468, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc có tấm biển đá khắc “Lời thề bất tử” của liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Viết Ninh, E876, Sư đoàn 356: “Sống bám đá/Chết hóa đá/Thành bất tử”. Đây là lời thề của Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh khắc trên báng súng, khi anh từ chối lui về tuyến sau chữa thương, sau 2 lần bị thương. Và anh đã hy sinh sau đó, khi cố chặn đợt tái tấn công của giặc vào cao điểm 468.
Trên bức tường của Đài tưởng niệm còn có phù điêu người lính vượt dốc cao với lá cờ Tổ quốc trên tay. Đó là câu chuyện bi tráng của liệt sĩ, y sĩ Lê Trần Mãn. Khi lá cờ của quân Trung Quốc cắm trên vị trí E5, điểm cao nhất của cao điểm 685, bị quân ta bắn đổ; y sĩ Lê Trần Mãn xung phong mang cờ Việt Nam lên cắm ở E5. Lá cờ đỏ sao vàng được cắm trên đỉnh cao điểm 685, đánh dấu chủ quyền Tổ quốc. Một đợt pháo của địch bắn trùm lên cao điểm E5. Y sĩ Lê Trần Mãn hy sinh, thịt xương anh hòa vào lòng đất mẹ…
Ngày 10-7-2022, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa và lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương cùng hàng ngàn cựu binh chiến đấu tại Vị Xuyên đã rất xúc động khi cùng dự lễ an táng 10 liệt sĩ chưa rõ danh tánh vừa được Đội quy tập của Tỉnh đội Hà Giang đưa về từ chiến trường Vị Xuyên năm ấy.
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên được xây dựng năm 1990, có 1.850 ngôi mộ (1.600 ngôi mộ các chiến sĩ chiến đấu tại Vị Xuyên), một phần mộ liệt sĩ tập thể vừa được “thay áo mới”. Khu nghĩa trang với những ngôi mộ bám rêu, xám buồn trong những cơn mưa rừng buốt giá năm cũ, đã được cải tạo nâng cấp thành công viên khang trang với những ngôi mộ ốp đá trắng.
Chiều biên giới xuống thật nhanh. Giữa thinh lặng nghĩa trang, tiếng hát của nhóm cựu binh vang lên tha thiết: Về đây đồng đội ơi. Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào… Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi… (lời của khúc tâm ca Về đây đồng đội ơi của nhạc sĩ Trương Quý Hải, cựu binh Sư đoàn 356) như quyện vào hương khói bồng bềnh trên những ngôi mộ nằm im lìm bên nhau, trong nghĩa trang mênh mông.
Những nấm mồ xếp đều bên nhau/Như những phím dương cầm của đất/Rung lên những âm thanh lặng thầm không tắt/Chỉ trái tim người mới nghe được mà thôi... (thơ Lâm Thị Mỹ Dạ).
Mong tháng nào cũng là tháng 7
Trước đó, ngày 9-7-2022, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh đã đến thăm, bàn giao căn nhà mới xây theo tiêu chí “3 cứng” (cứng mái, cứng nền, cứng tường) tặng gia đình bà Khấu Thị Đẹp (dân tộc Tày) tại bản Khén, xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê. Đây là 1 trong 5.800 căn nhà đã được xây tặng các cựu binh và bà con dân tộc thiểu số nghèo vùng biên ải, trong kế hoạch tặng 6.000 căn nhà do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động từ năm 2019.
Dù đương chức hay đã nghỉ hưu, đồng chí Trương Tấn Sang vẫn đau đáu về những đói no của bà con vùng đất địa đầu Tổ quốc. Ngày đương chức, năm 2009, đến thăm huyện Xín Mần (huyện nghèo nhất tỉnh Hà Giang), khi biết có 6 xã từ nhiều đời qua vẫn sống kiểu tự cung tự cấp, bị con sông Chải rộng gần 100m chia cách, ông đã vận động Ngân hàng Liên Việt xây cây cầu bê tông rộng 10m, có tên Na Lan, để phá thế cô lập bao năm qua cho 6 xã; vận động Tập đoàn Viễn thông Viettel tặng nhà tình thương, xây nhà nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số, tặng trâu bò cho bà con vùng cao mùa rét…
Sau chiến tranh biên giới, ông đã nhiều lần đến thắp hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Tại Hà Giang, không chỉ 2 lần tài trợ cho 3.000 cựu binh biên giới và gia đình liệt sĩ về Vị Xuyên hội quân tháng 7, dự lễ cầu siêu, dự ngày “Giỗ trận”, đồng chí Trương Tấn Sang và nhóm từ thiện Chia sẻ - Sharing của phu nhân ông là bà Mai Thị Hạnh cũng đã vận động được 356 căn nhà (70 triệu đồng/căn) tặng gia đình liệt sĩ, thương binh và cựu binh nghèo của Sư đoàn 356; trao tặng 5.800 căn nhà “3 cứng” cho bà con dân tộc thiểu số và cựu binh nghèo; vận động xây dựng Đài tưởng niệm tại cao điểm 468; tặng 100 bò giống, 600 heo giống cho gia đình cựu binh nghèo ở Hà Giang, tặng 10.000 phần quà tết cho bà con các dân tộc ở Hà Giang, xây trường mầm non, nhà lưu trú cho học sinh dân tộc nơi đây...
Cứ nhìn cách nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quà cho các cựu binh nghèo bằng cả hai tay, hay ân cần sửa mũ áo cho họ, trước khi họ lên sân khấu nhận quà, sẽ hiểu thêm về sự giản dị, chân thành của ông đối với người dân.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bộc bạch: “Tháng 7 là tháng mà chúng ta bày tỏ lòng tri ân với những hy sinh xương máu cho độc lập tự do dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Và không chỉ chờ đến tháng 7 chúng ta mới bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các gia đình chính sách, các cựu binh từng chiến đấu mọi nơi trên đất nước còn đang gặp khó khăn, mà tôi mong một năm 12 tháng đều là tháng nghĩa tình…”.