Ông Trump cũng cho rằng một thỏa thuận có thể đạt được với Triều Tiên là điều rất tốt đối với cộng đồng quốc tế và đã nhận được sự ủng hộ lớn.
Ủng hộ là điều dễ hiểu bởi đây có thể là cơ hội duy nhất để chấm dứt hàng thập kỷ canh chừng nhau. Tuy nhiên, theo Le Point, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tỏ ra không tin tưởng vào khả năng đạt tiến triển trong cuộc gặp tới bởi “nếu muốn nói chuyện với ông Kim Jong-un về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cần các nhà ngoại giao có kinh nghiệm”, điều mà Bộ Ngoại giao Mỹ đang thiếu.
Cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ Bill Richardson cảnh báo đàm phán với Triều Tiên không phải là một chương trình truyền hình thực tế, rằng ông Trump “thiếu chuẩn bị và không có nguyên tắc”.
Còn ông Victor Cha, cựu Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia về châu Á, Giáo sư Đại học Georgetown và là cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thì đặt câu hỏi: Mỹ sẽ đặt những gì lên bàn đàm phán? Ông Cha cho rằng, một khi chính quyền đã nghĩ đến giải pháp ngoại giao trong năm đầu tiên tại chức, không đơn giản chỉ liệt kê những điều mà Mỹ sẽ không làm, chẳng hạn như không từ bỏ các lệnh trừng phạt, không trả tiền cho các cuộc gặp, không mắc lại các sai lầm đàm phán trong quá khứ. Hơn nữa, với những gì mà ông Kim Jong-un đưa ra: ngừng thử tên lửa, không đáp trả các cuộc tập trận của Mỹ, lời mời gặp thượng đỉnh thì ông Trump có thể sẽ phải phúc đáp lại. Và có hai khả năng.
Thứ nhất, Mỹ có thể tăng cung cấp năng lượng, hỗ trợ kinh tế và dỡ bỏ các biện pháp cấm vận để ngăn chặn và tiến tới loại bỏ không chỉ vũ khí hạt nhân mà còn cả chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa. Nếu thành công, ông Trump có thể khoe khả năng Mỹ trở thành mục tiêu tấn công của Triều Tiên sẽ “không bao giờ xảy ra” một khi ông còn là tổng thống.
Khả năng thứ hai có thể táo bạo hơn và vì lý do này, có thể hấp dẫn hơn đối với ông Trump. Nó cũng như việc đặt nhiều “củ cà rốt” hơn trên bàn đàm phán, bao gồm việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao và thậm chí ký kết một hiệp định hòa bình chấm dứt chiến tranh liên Triều để đổi lại việc phi hạt nhân hóa.
Nhưng đây là thế giới của ông Trump - trắng đen, trước sau lẫn lộn, hỗn loạn cũng tốt. Nên, theo ông Cha, cho dù chọn cách nào, chính quyền của ông Trump cũng cần phối hợp chặt chẽ với các đồng minh. Trong khi thái độ của Hàn Quốc đã rõ ràng thì cũng cần quan tâm Nhật Bản, vì nước này sẽ phải hứng chịu hậu quả trong trường hợp ông Trump gây áp lực lên Bình Nhưỡng và tính đến giải pháp quân sự.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump nên biết rằng, đòn bẩy đàm phán với ông Kim sẽ chỉ có hiệu quả nếu các lệnh trừng phạt và khả năng ngăn chặn của ông vẫn mạnh. Ngoài ra, bất kỳ cuộc gặp thượng đỉnh nào cũng phải tính đến vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên.
Cuối cùng, cũng cần nhớ rằng động thái ngoại giao bất ngờ này xuất phát từ hai nhà lãnh đạo cá tính thất thường khó đoán nên cũng không loại trừ nguy cơ đẩy hai bên đến gần hơn với chiến tranh, sẽ khó trông cậy vào các giải pháp ngoại giao khác.