Tháng 4, trở lại Lộc Ninh

Chúng tôi về lại Lộc Ninh khi huyện biên giới của tỉnh Bình Phước đang rộn ràng không khí chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng. Mới có 5 năm kể từ lần đi thực tế tìm hiểu về tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh hình thành từ thời Pháp thuộc, mà nay đường sá đã khang trang hơn hẳn, hàng loạt công trình giao thông được khánh thành, khởi công. Đã có nhiều đổi thay ở vùng đất cuối dãy Trường Sơn này. 
Đường giao thông nông thôn ở xã Lộc Thạnh mới được xây dựng
Đường giao thông nông thôn ở xã Lộc Thạnh mới được xây dựng

1. Anh Trần Văn Lượng, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Lộc Ninh, hướng dẫn cho chúng tôi đi thực tế những công trình giao thông vừa được khánh thành hoặc sắp khởi công trong ít ngày nữa. Chiếc xe du lịch 5 chỗ bon bon trên con đường quốc lộ 13, đi qua trung tâm huyện để hướng về biên giới. Đầu tiên là con đường liên xã Lộc Hòa nối quốc lộ 13 vừa được đưa vào sử dụng với màu nhựa đen kịt, láng bóng, hai bên đường có cả những bảng chỉ dẫn mới sơn màu trắng, đỏ ở những khúc cua để cảnh giới cánh tài xế không phóng nhanh vượt ẩu. 

Rời Lộc Hòa, chúng tôi trở ra quốc lộ 13 để đến với 3 di tích thuộc cụm di tích Thủ tướng Campuchia Hunsen trên hành trình cứu nước ở xã biên giới Lộc Tấn. Đi khoảng 10km, chúng tôi rẽ vào con đường quốc lộ 13B, mới được nâng cấp, mở rộng lên 18m. Con đường từ ngã ba Chiu Riu vào, mới được nâng cấp mở rộng 18m thênh thang. Phía đối diện thuộc địa phận xã Tuần Lung, huyện Mi Mốt, tỉnh Kam Pong Cham, vương quốc Campuchia, tại điểm X16 đang được đầu tư xây dựng một khu phức hợp thương mại khá lớn. 

Anh Lượng cho biết, sắp tới Việt Nam dự kiến quy hoạch xây dựng một khu kinh tế đối ứng với quy mô không thua kém nước bạn để tạo cầu nối trong giao lưu mua bán hàng hóa, du lịch tại lối mở Tuần Lung (do đồn biên phòng Lộc Thiện quản lý). 

Sau khi chụp hình lưu niệm bên cây Độc Lập, chúng tôi trở lại trung tâm huyện, nhưng cũng chỉ chạy một đoạn trên quốc lộ 13 rồi rẽ vào xã Lộc Thạnh. Đập vào mắt chúng tôi là con đường giao thông nông thôn phẳng phiu, nổi bật trên nền xanh của cao su hai bên đường trải dài theo con dốc. “Đây là con đường nông thôn mới của xã, hai bên đường được gắn hệ thống camera giám sát an ninh và an toàn giao thông, chỉ một người lọt vào là khi cần có thể truy tìm được ngay”, anh Lượng nói như khoe. 

Tháng 4, trở lại Lộc Ninh ảnh 1 Di tích X16 ở xã Lộc Tấn nơi Thủ tướng Campuchia Hunsen đặt chân trên hành trình cứu nước năm 1977

2. Anh Lượng vốn quê ở Nam Định, theo gia đình vào miền đất Lộc Ninh lập nghiệp năm 1987. Bố mẹ anh sinh được 4 người con, chỉ có mỗi mình anh theo học đại học rồi vào làm cơ quan nhà nước, 3 người còn lại đều làm nghề tự do, cuộc sống cũng khá ổn định. Anh Lượng cũng xây dựng được nhà kiên cố trên diện tích 350m2 ở khu dân cư mới, thu nhập đủ lo cho gia đình 4 người. 

Ngày anh Lượng mới đặt chân đến vùng đất mới, dân số Lộc Ninh còn ít, cả thị trấn chỉ có mỗi khu dân cư quanh chợ là đông đúc, còn thì phân tán ở các đồn điền cao su cũ. Từ trung tâm thị trấn đến các xã  chủ yếu đường đất, cấp phối và phải vượt qua những cánh rừng đi lại còn khó khăn, nên ngay chính người dân Lộc Ninh cũng có cảm giác nơi đây còn heo hút, xa xôi. Và cảm giác ấy vẫn còn như in trong ký ức của lớp người lập nghiệp ở Lộc Ninh trong những năm đầu mới thành lập huyện, như thầy Lê Văn Kiêm, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện. 

Thầy Lê Văn Kiêm quê ở Bình Định, học Cao đẳng Sư phạm TPHCM. Tháng 8-1978, sau khi tốt nghiệp, thầy được phân công lên Lộc Ninh giảng dạy. Sau nhiều năm thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa tập trung của huyện, đến năm 2005 thì làm Trưởng phòng Giáo dục. Năm 2016, sau 40 năm gắn bó với nghề, thầy Kiêm nghỉ hưu và làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học của huyện đến nay. 

“Hồi đó hoang sơ lắm, từ Lộc Ninh về tới Bù Đốp, hai bên đường đi toàn gặp cây rừng nguyên sinh như cây sao, dầu, bằng lăng… và rừng cao su. Từ ngã ba Lộc Hiệp vào Lộc Quang vẫn là đường đất, hai bên nhiều nhà tranh vách lồ ô”, thầy Kiêm hồi tưởng. 

Tháng 4, trở lại Lộc Ninh ảnh 2 Đường giao thông nông thôn nối quốc lộ 13 với trung tâm xã Lộc Hòa

3. Nói về sự phát triển của giáo dục huyện Lộc Ninh 50 năm qua, thầy Lê Văn Kiêm quả quyết: “So với trước thì giờ thay đổi vượt bậc”. Lúc mới thành lập huyện chỉ có 1 trường cấp 2, 3 với 5 lớp, mỗi xã có một trường cấp 1, 2 chủ yếu là bán kiên cố, phòng học tạm tranh tre vách gỗ với khoảng 200 giáo viên. Nhưng nay thì cơ sở vật chất trường lớp đều được kiên cố hóa, giáo viên đạt chuẩn 100%, trong đó có hơn 50% trên chuẩn; 11 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có trường ở các xã giáp biên như Mẫu giáo Hoa Sen xã Lộc Thành và Tiểu học Lộc Tấn B xã Lộc Tấn; đời sống giáo viên nhìn chung ổn định, không còn khó khăn thiếu thốn như trước, giáo viên lâu năm đều có nhà riêng. Và trong số 10 công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng cũng có 2 công trình trường học, đó là 18 phòng học ở Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở Lộc Thiện với kinh phí 15 tỷ đồng và Trường Trung học Cơ sở dân tộc nội trú Lộc Ninh với kinh phí đầu tư 60 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.

Tháng 4, trở lại Lộc Ninh ảnh 3 Hồ tiêu là sản phẩm chủ lực của huyện Lộc Ninh

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 421/QĐ-TTg công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu thuộc tỉnh Bình Phước. Theo đó, công nhận các xã: Lộc Tấn, Lộc Thành, Lộc Hiệp, Lộc Quang, Lộc Thuận và thị trấn Lộc Ninh thuộc huyện biên giới Lộc Ninh, là xã An toàn khu; công nhận huyện Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Phước là vùng An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Bình Phước thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. 

BÙI LIÊM

Tin cùng chuyên mục