
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt (BCĐ) vừa chủ trì phiên họp thứ nhất của BCĐ.
Hiện nay, danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt gồm: dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn, Móng Cái - Hạ Long (Quảng Ninh) và các dự án đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.541km từ Hà Nội đến TPHCM, với tốc độ thiết kế 350km/giờ. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Thời gian thực hiện năm 2025-2035.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, khổ 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa; tổng chiều dài tuyến chính 390,9km, tuyến nhánh 27,9km; tổng mức đầu tư 8,369 tỷ USD; giai đoạn 1 đầu tư đường đơn, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi. Thời gian thực hiện năm 2025-2030.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; tổng chiều dài khoảng 156km.
Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái kết nối TP Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh; kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc; tổng chiều dài tuyến khoảng 187km.
TP Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị; TPHCM dự kiến sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư các dự án đường sắt và phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Việt Nam quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Cùng với đó, hình thành, thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn tư nhân, liên quan tới ngành công nghiệp đường sắt, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, sửa đổi các quy định liên quan.
Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai các giải pháp huy động, đa dạng hóa nguồn lực, gồm vốn nhà nước, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, hợp tác công tư, khai thác TOD…
Về các dự án cụ thể, với dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ thành lập hội đồng thẩm định nhà nước. Thủ tướng đồng ý khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và khởi công các khu tái định cư của dự án trong năm 2025.
Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán hiệp định; đồng thời thúc đẩy dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công tháng 12-2026. Bộ Tư pháp có ý kiến về áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành nghị định về thiết kế tổng thể trong đầu tháng 4-2025.
Với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội, TPHCM rà soát tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại địa phương. Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án đường sắt đô thị TPHCM, tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương...