Ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết trung bình mỗi ngày thành phố thu gom và xử lý hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, có đến 60% trong tổng lượng chất thải rắn phát sinh là do lực lượng rác dân lập thu gom.
Tuy nhiên, phương tiện thu gom của lực lượng này đã rất lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, chủ yếu là xe tải cũ, xe ba gác, xe tự chế, xe lôi, xe lam... Quy mô thu gom của lực lượng rác dân lập cũng rất manh mún, phân tán nhiều đối tượng, nhiều khu vực và không đồng nhất với lực lượng thu gom rác chính quy, nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu an toàn môi trường, mỹ quan và vệ sinh đô thị.
Tại một số quận huyện, xe chở rác thường xuyên để tình trạng nước rỉ rác chảy tràn ra đường phố trong quá trình vận chuyển. Thậm chí, rác thải bị bỏ 2 - 3 ngày không thu gom, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.
Trước thực trạng trên, nhằm chấn chỉnh hoạt động thu gom rác, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi thành hợp tác xã, công ty tư nhân để tăng khả năng chuyển đổi phương tiện thu gom.Đến nay, Sở TN-MT đã vận động 616 tổ thu gom rác dân lập chuyển đổi bằng cách thành lập công ty tư nhân, gia nhập hợp tác xã thu gom rác dân lập, hoặc gia nhập vào công ty dịch vụ công ích quận huyện.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ đường dây rác dân lập có tâm lý e ngại, chưa đồng thuận thực hiện. Về phía thành phố cũng chưa quyết liệt, chặt chẽ trong hoạt động quản lý, xử lý những trường hợp không thực hiện chuyển đổi, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường trong hoạt động thu gom.
Ở góc độ đơn vị thu gom rác dân lập, nhiều đại diện cho rằng Quỹ Bảo vệ môi trường của TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp tiếp cận đối tượng cần vay; thế nhưng tiêu chí cho vay chưa rõ ràng, việc tiếp cận nguồn vốn vay chuyển đổi phương tiện còn phức tạp, thủ tục hành chính rối rắm.
Việc chuyển đổi phương tiện là cần thiết, nhưng cần lộ trình để chuyển đổi và phù hợp với từng địa bàn nội thành, ngoại thành. Phương tiện này cũng phải đáp ứng các yêu cầu như tiếp nhận được thùng rác 220 lít và có hệ thống nâng thùng rác. Đặc biệt, thành phố cần phải tính toán lại mức phí thu từ chủ nguồn thải sao cho bù đắp được chi phí đầu tư và vận hành phương tiện thu gom rác sau chuyển đổi.
Ông Nguyễn Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN-MT), cho rằng trong bối cảnh phải đáp ứng quy định của thành phố về nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển rác, lực lượng thu gom rác dân lập cần thiết phải chuyển đổi phương tiện thu gom.
Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải hoàn tất chuyển đổi chậm nhất tháng 10-2019. Còn với những tổ chức, cá nhân thu gom rác dân lập gặp khó trong vốn đầu tư chuyển đổi, thành phố đã làm việc với các đơn vị liên quan để xây dựng chính sách hỗ trợ vốn vay.
Theo đó, tổ chức, cá nhân vay vốn theo mục đích chuyển đổi phương tiện thu gom rác có thể được vay bằng hình thức tín chấp, với mức lãi suất vay 8,4%/năm. Riêng vay từ nguồn quỹ từ Quỹ Bảo vệ môi trường thì lãi suất vay thấp hơn, ở mức 4,27%/năm, thời hạn vay là 7 năm. Các đơn vị sản xuất xe cũng có chính sách hỗ trợ mua xe mới hoặc cải tạo xe thu gom cũ.