Công cụ quản lý hữu hiệu
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc tách riêng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để đưa các nội dung: Quy tắc về giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện, đăng ký phương tiện, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe về Bộ Công an quản lý là hợp lý. Ngành công an là cơ quan thực thi pháp luật, trực tiếp giám sát vi phạm trật tự an toàn giao thông nên công tác quản lý sẽ chặt chẽ hơn, đưa ra những quy định chính xác hơn.
Lý giải thêm, ông Hùng cho rằng, thời gian qua ngành giao thông đã để xảy ra nhiều bất cập, nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, Sở GTVT Hà Nội cắm một loạt biển cấm đối với xe taxi là đi ngược lại chủ trương và xu thế khuyến khích vận tải công cộng, giảm phương tiện cá nhân. Một ví dụ khác, Bộ GTVT đang sửa Thông tư 57 về đăng kiểm xe cơ giới trong đó đề xuất xe taxi sau 5 năm hoạt động phải kiểm định theo chu kỳ 6 tháng/lần, gây khó khăn, lãng phí lớn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, Bộ Công an lại triển khai được nhiều quy định được dư luận ủng hộ như ban hành Thông tư 58/2020 quy định cấp, thu hồi, đăng ký biển số trong đó quy định xe kinh doanh phải mang biển số màu vàng. Hay như việc ngành công an tham mưu, triển khai NĐ 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trong đó xử phạt nghiêm đối với người sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông... Cũng theo ông Hùng, việc Bộ Công an quyết tâm đổi mới để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) nên ủng hộ.
Cũng đồng tình với việc nên tách thành 2 luật, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, từ trước đến nay chúng ta đẩy mạnh công tác ATGT, nhất là giao thông đường bộ nhưng thực tế lại không có một đạo luật nào trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực này. Trong Luật Giao thông đường bộ chủ yếu nói về kết cấu hạ tầng, phần đảm bảo ATGT được lồng ghép trong các điều luật nên chưa đủ để đẩy lùi tình trạng mất ATGT. “Dự luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra đời sẽ là công cụ hữu hiệu, chủ lực để Nhà nước, toàn dân đẩy lùi tai nạn giao thông, góp phần tích cực không chỉ trong việc đảm bảo về trật tự mà còn là an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân”, luật sư Tú khẳng định.
Lo ngại chồng chéo
Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ, rất nhiều ý kiến cho rằng việc chia tách là không cần thiết, cần phải thận trọng xem xét. Theo luật sư Hà Trọng Đại (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), để xây dựng một bộ luật khá tốn kém. Chúng ta đã có Luật Giao thông đường bộ tương đối hoàn chỉnh, trong đó điều chỉnh các quan hệ xã hội cũng như các đối tượng xã hội, từ hành vi tham gia giao thông cho tới xây dựng mạng lưới đường bộ, có các quy định cụ thể về hành vi ATGT, hành lang giao thông. Phạm vi điều chỉnh đã bao quát các điều kiện và hành vi bị cấm, thậm chí cả những điều khoản được quy định trong Bộ luật Hình sự, do đó không cần thiết phải đưa ra thêm một bộ luật nữa. Luật sư Đại cho rằng, có thêm bộ luật nữa thậm chí còn gây chồng chéo trong quá trình xử lý vi phạm, chưa kể bắt buộc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dựa vào nhu cầu và tình hình thực tế, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ là đúng đắn. Tuy nhiên, vấn đề cần điều chỉnh là giao thông đường bộ chứ không phải lĩnh vực quản lý của từng bộ. Mục tiêu chung là đảm bảo trật tự ATGT nên việc tách thành 2 luật sẽ không thể hiện được tổng thể, có thể dẫn đến chồng chéo, việc áp dụng pháp luật sẽ gây khó khăn.
Về phía các doanh nghiệp vận tải, đối tượng ảnh hưởng trực tiếp từ việc chia tách luật, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bày tỏ hoàn toàn không đồng tình với việc tách thành 2 luật. Theo ông Thanh, có 4 thành tố tạo nên vận tải đường bộ là đường sá, quy tắc giao thông, phương tiện và con người. Nếu để Bộ Công an quản lý về quy tắc giao thông và con người tham gia giao thông, Bộ GTVT quản lý hạ tầng giao thông và phương tiện thì sẽ tạo ra 2 luật cùng què quặt. Luật hiện hành đã đầy đủ, không cần thiết phải tách thành 2 luật và chuyển cơ quan quản lý cho phức tạp thêm.
Cũng nhận định việc tách luật không hợp lý, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng, nếu xây dựng thành luật riêng, có thể cảnh sát giao thông phải ôm đồm quá nhiều thứ. Nhiều quyền sẽ mâu thuẫn với năng lực quản lý hiện nay của nhiều lực lượng khác. Lâu nay, việc tổ chức giao thông, hệ thống biển báo từ khâu về đầu tư xây dựng cho đến suốt quá trình duy tu, bảo trì đường đều do Bộ GTVT đảm nhiệm, nếu để ngành công an làm sẽ dẫn đến chồng chéo. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng tất cả mọi công việc liên quan đến ATGT chỉ do một cơ quan, một ngành làm thì tính chất khách quan, sự giám sát sẽ không đầy đủ, dễ dẫn đến tiêu cực hơn so với hiện nay.