Ngày 20-8, với nhan đề "Recall of Certain Batches of Instant Noodle Products due to the Presence of the Unauthorised Pesticide Ethylene Oxide", Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland đã thông báo cho thu hồi lô hàng mì Hảo Hảo chua cay loại 77gr và miến ăn liền Good loại 56gr của Acecook Việt Nam, vì phát hiện có chứa chất Ethylene Oxide (EO) độc hại cho sức khỏe con người. Cùng nằm trong thông báo bị thu hồi còn có một loại mì ăn liền hải sản của Trung Quốc.
Đến chiều 27-8, Facebook đang lan truyền chóng mặt thông tin này, dẫn nguồn từ vài bài trong nước. Thông báo trên trang của Ireland rất ngắn gọn. Nó chỉ lưu ý rằng "Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. Mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm bị ô nhiễm không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng có thể có các vấn đề về sức khỏe nếu tiếp tục tiêu thụ Ethylene Oxide trong một thời gian dài. Do đó, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chất này". Còn bài trên báo Việt thì gây chấn động khi để cập rõ hơn: Ethylene Oxide là chất có trong thuốc trừ sâu, tác nhân gây nguy cơ ung thư!
Chưa có cơ quan nào trong nước xác thực bản chất, độ tin cậy của thông tin, cũng như có kết luận hay quyết định gì với nhãn hàng. Song chừng đó cũng đủ hình dung ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với mặt hàng mì Hảo Hảo của Acecook sẽ nghiêm trọng đến mức nào. Nó dễ khiến liên tưởng đến vụ 3 - MCPD trong nước tương.
Thật ra, thông tin kiểu này không mới mẻ gì. Trước đó, vào tháng 12 - 2020, Acecook cũng từng bị một "vố" tương tự. Hãng Yonhap News của Hàn Quốc cho biết, Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) cùng cơ quan chức năng đã thu hồi và xử lý sản phẩm phở bò ăn liền Peacook của Acecook do chứa hàm lượng Benzopyrene vượt quá giá trị tiêu chuẩn trong dầu hương liệu. Chất này cũng gây ung thư, cũng có trong thuốc trừ sâu và cả trong nước hoa! Cuối cùng thì cũng chẳng có vấn đề gì cả.
Có lẽ, những thông tin như thế sẽ không gây chấn động và lo lắng thậm chí không được tung ra hay đề cập ở trong nước, nếu như nhãn hàng Hảo Hảo chua cay không chiếm tới hơn 70% thị phần mì ăn liền tại Việt Nam, với mức tiêu thụ hơn 7 tỷ gói mì/năm. Gói mì Hảo Hảo được xem như "bữa ăn ngon rẻ nhất thế giới", bán sỉ từ 90-100 ngàn đồng/thùng 30 gói, bán lẻ cao lắm cũng chỉ 4.000-5.000 đồng/gói. Trong giai đoạn dịch dã hoành hành, mì ăn liền lại là "mặt hàng thiết yếu" được tiêu thụ rất mạnh, phù hợp với mọi giới. Nó cũng thường xuyên có mặt trong các gói hàng cứu trợ khẩn cấp.
Một chuyên gia ngành thủy sản xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Mỹ cho rằng: "Chắc có bàn tay đen muốn phá thị trường, thu bớt thị phần Hảo Hảo thôi. Acecook là doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, tự hào là "hương vị Nhật Bản", họ tuân thủ nghiêm ngặt, không dễ dàng để xảy ra những sơ sẩy bất cẩn như vậy. Mặt khác, thông tin phía Ireland đưa ra cũng chỉ là một cảnh báo, lấy mẫu ngẫu nhiên trên một lô hàng cụ thể.”
Trong khi đó, trên bài báo của Zing cũng đã thể hiện, lô hàng bị thu hồi là sản phẩm xuất khẩu, không liên quan đến những sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Đại diện Công ty Acecook Việt Nam và các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho công ty này đều cho biết, họ không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Doanh nghiệp này đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời.
"Tôi là một người thường xuyên sử dụng sản phẩm quen thuộc này. Trùng hợp ngẫu nhiên là trong một tuần qua, mì Hảo Hảo đã mua không có. Lý do đưa ra một cách không chính thức để giải thích cho việc khan hiếm là thiếu... hành lá (không phải mặt hàng thiết yếu, không được lưu thông) cho gói gia vị nên sản lượng mì Hảo Hảo sản xuất ra bị giảm!
Tôi nghĩ, nếu thật có sai phạm, doanh nghiệp đương nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm và lãnh hậu quả. Bằng ngược lại, đã tuân thủ đầy đủ quy định, thông tin này, dù vô tình, cũng sẽ thừa sức biến doanh nghiệp thành nạn nhân. Do đó, trước khi có thông báo chính thức của các cơ quan có trách nhiệm trong nước, chúng ta nên thận trọng với việc lan truyền chóng mặt thông tin "thuốc trừ sâu" này. Nếu không chính xác, không được hiểu đúng, rất có thể, nó chỉ vô tình tạo ra đòn cạnh tranh để khiến một doanh nghiệp phải lao đao, chịu những tổn thất nghiêm trọng. Lưu ý rằng, tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Châu Âu, Hoa Kỳ (với các mặt hàng họ nhập) luôn có co giãn về biên độ quy định. Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT thì Ethylene Oxide bị cấm ở châu Âu, Mỹ, Canada…, trong khi phần còn lại của thế giới vẫn không coi nó là chất cấm. Việt Nam nằm trong số này".
Kiểu truyền thông cố ý hoặc vô tình làm lợi cho phía này, gây hại cho phía khác, nếu đặt trong chiêu thức cạnh tranh, nó bị xem là truyền thông bất lương. Nó triệt để khai thác “Kỹ thuật thổi phồng nỗi ám ảnh sợ hãi” (Narrative techniques of fear mongering) đã được Barry Glassner, nhà báo kỳ cựu trình bày chi tiết từ năm 2004 trong Tạp chí khoa học của Đại học John Hopkin (Hoa Kỳ). Trong thực tế, EO là chất hóa học có mặt trong nhiều sản phẩm tiêu dùng: nước rửa chén, chất khử trùng bệnh viện, nước rửa sàn nhà. Khi bạn hút một điếu thuốc, khói sinh ra cũng chứa EO. Hiểu cho đúng, nó là chất sát khuẩn, đương nhiên có hại cho sức khỏe. Nhưng trong trường hợp này, truyền thông trong nước gọi nó là "Thuốc trừ sâu", đặt bên cạnh bệnh "ung thư", biến thành từ khóa tạo nên ám ảnh sợ hãi cho người tiêu dùng. Khi đưa tin trung dung, khách quan, không kèm giải thích hay kết luận nào, truyền thông đã vô tình tạo nên sự lo lắng, e ngại bị đe dọa về sức khỏe, có thể dẫn đến hành vi tẩy chay một sản phẩm. Chưa biết có thật sự nguy hiểm cho sức khỏe thật hay không, nhưng nếu là âm mưu, rất có thể nó sẽ giết chết tươi một doanh nghiệp với mặt hàng chiếm thị phần hàng đầu trong nước.
Doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng có lỗi, xuất phát từ việc thiếu quan tâm đến tâm lý và quyền lợi của người tiểu dùng. Để cả tuần lễ sau khi có thông báo thu hồi từ Ireland, rồi sau đó hệ thống Amazon của Anh và Đức phải phát thư thu hồi sản phẩm Hảo Hảo họ mới có giải thích chống chế. Không chủ động ra thông cáo giải thích ngay từ đầu, tuyên bố cách thức giải quyết ngay từ đầu, doanh nghiệp đã bỏ qua khâu quản trị truyền thông quan trọng. Họ đã không có biện pháp cần thiết để kiểm soát và dự báo khủng hoảng đúng lúc. Để cho báo chí - truyền thông tự phát hiện, đăng tin khách quan nghĩa là họ đã để cho "ám ảnh sợ hãi" tự do lan truyền, khuyếch đại.
Khủng hoảng truyền thông kéo dài, tăng cấp độ thì e sẽ khó tránh dẫn đến khủng hoảng thực tế. Không cần âm mưu, không cần thủ phạm nào cả, doanh nghiệp cũng tự trở thành nạn nhân do xử lý khủng hoảng truyền thông kém, chậm và cẩu thả. Rất có thể là do họ đánh giá sai: thị trường Ireland quá bé nhỏ so với thị trường nội địa đang tiêu thụ phần lớn sản phẩm mì Hảo Hảo.
Cho dù Acecook đã tuyên bố sẽ điều tra, chấn chỉnh; cho dù Cục Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm đã vào cuộc và sớm có kết luận, khủng hoảng truyền thông cũng đã xảy ra. Chúng ta thận trọng, không muốn mắc bệnh tật, nhưng chắc cũng chẳng ai muốn tiếp tay bóp chết một doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nhất là khi mọi thứ chưa rõ ràng và sản phẩm là một "mặt hàng thiết yếu", giá rẻ, quen thuộc với nhiều người, nhất là trong giai đoạn khó khăn, dịch dã. Vì thế, hãy thận trọng!