Đánh vào thị hiếu của khách hàng trong nước, nhiều đối tượng buôn lậu đã gom hàng về cất giấu tại các kho bãi, chia nhỏ phân phối trong những chuỗi bán lẻ… Chỉ đến khi cơ quan chức năng ập vào kiểm tra, công bố những sai phạm, lúc đó người tiêu dùng mới giật mình phát hiện bị lừa.
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp Cục QLTT TPHCM phát hiện kho hàng chứa cả trăm máy lạnh nội địa Nhật Bản đã qua sử dụng. Số hàng này tuồn từ Campuchia về Việt Nam để chờ ngày tiêu thụ. Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, thông qua các thông tin rao bán, trao đổi hàng hóa trên mạng cũng như công tác rà soát địa bàn, lực lượng QLTT lần ra đầu mối kho hàng tại quận Tân Phú. Kho bãi chứa trữ hàng thuộc một trong những điểm “nóng” về trung chuyển hàng lậu từ biên giới Tây Nam vào thị trường nội địa. Thủ đoạn vận chuyển hàng lậu được các đối tượng thường xuyên sử dụng là chia lô hàng trên nhiều xe, mỗi xe chạy theo các cung đường khác nhau, không có quy luật về thời gian để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Hàng hóa sẽ được tập kết tại một số kho hàng có rào chắn kỹ lưỡng để phân tải, chuyển đi các tỉnh thành.
Trước đó, Cục QLTT TPHCM cũng ra quân kiểm tra một chuỗi cửa hàng mỹ phẩm lớn tại TPHCM với hàng loạt sản phẩm nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp… nhưng không có hóa đơn chứng từ. Lô hàng này nghi nhập lậu theo diện hàng xách tay, trong đó có những mặt hàng có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng. Vụ việc vẫn đang được điều tra, làm rõ, nhưng đấy cũng là bài học cảnh tỉnh chung cho mọi người trước khi đặt mua sản phẩm. “Tốt nhất khách hàng hãy tới cửa hàng chính hãng, tránh mua sản phẩm xách tay trôi nổi hoặc các điểm bán giảm giá sâu tới mức bất thường. Vì trên thực tế, những thương hiệu lớn ít khi có các chương trình giảm giá đậm, thường xuyên cho khách lẻ, mà họ chỉ dành ưu đãi nhất định cho các đại lý mà thôi”, đại diện truyền thông của một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Nhật Bản ở TPHCM khuyến cáo.
Một cán bộ Cục Hải quan TPHCM cho biết, theo quy định thì khách nhập cảnh mang theo hàng hóa trong định mức sẽ được miễn thuế, vượt định mức sẽ đóng thuế. Thế nhưng, nhiều người vẫn hiểu hàng xách tay là hàng nhập lậu do hàng né khai báo để đưa vào nội địa tiêu thụ. Thực tế, gần đây cơ quan hải quan, QLTT, công an đã phát hiện một số vụ vi phạm liên quan đến nhập lậu hàng hóa số lượng lớn, gồm mỹ phẩm, hàng tiêu dùng như thực phẩm chức năng (viên uống làm đẹp, tăng cường sức đề kháng)… Điều đáng lo ngại chính là các mặt hàng xách tay mang đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho người sử dụng do hàng hóa không qua kiểm tra chuyên ngành, an toàn thực phẩm. Do vậy, không loại trừ khả năng hàng giả đóng mác hàng xách tay cũng “ung dung” tuồn vào thị trường, tác động xấu đến sức khỏe người dùng. Các cơ quan chuyên trách chống buôn lậu, gian lận thương mại nhận định, xu hướng nhập hàng xách tay phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng. Theo Cục Hải quan TPHCM, để chặn đứng “vòi” buôn lậu, các lực lượng liên ngành gồm QLTT, hải quan, công an… đã và đang tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các vụ hàng hóa kém chất lượng tung ra thị trường. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM cũng vừa phát đi khuyến cáo, nên thận trọng khi chọn mua các mặt hàng nội địa đã qua sử dụng bày bán trôi nổi trên thị trường. Bởi không ít các mặt hàng điện tử, điện máy nội địa nhập về Việt Nam được “lên đời”, dán tem nhãn mới, trong khi chất lượng không đảm bảo. Mặt khác, giá bán các sản phẩm khá cao so với sản phẩm mới của những thương hiệu có bảo hành, xuất xứ rõ ràng…