Các tỉnh ở ĐBSCL cùng lúc phải lo đối mặt với triều cường và lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ xuống. Hiện tại, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn đang xuống dần. Đến ngày 16-10, mực nước cao nhất trong ngày tại Tân Châu xuống mức 3,11m; tại Châu Đốc xuống mức 2,95m; tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn xuống mức báo động 1 - 2. Vào các ngày 26 đến 27-10 sắp tới, đỉnh triều sẽ quay lại mức 1,35m. Trong tháng 11, đỉnh triều sẽ đạt mức 1,45m vào ngày 25-11 và sau đó tiếp tục tái diễn mức đỉnh triều này vào ngày 24 đến 26-12. Như vậy, tình hình triều cường tại Nam bộ vẫn còn kéo dài trong 2 tháng tới.
Tại Trung bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện lũ nhỏ; nguy cơ xảy ra sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh Trung bộ tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu khi có mưa lớn để kịp thời cảnh báo, sơ tán người dân, đảm bảo an toàn; tổ chức lực lượng theo dõi. Các tỉnh tại ĐBSCL theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, triều cường để chủ động các biện pháp ứng phó. Thường xuyên theo dõi, đảm bảo an toàn hệ thống đê bao, bờ bao và sẵn sàng phương án xử lý sự cố giờ đầu. Tổ chức tuần tra, phát hiện các sự cố sạt lở bờ sông, kênh rạch để cảnh báo, sơ tán người dân kịp thời.