Đến thời điểm này, các trường đại học (ĐH) đã công bố mức điểm sàn xét tuyển cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Mức điểm sàn này được các trường tính toán dựa vào số lượng nguyện vọng (NV) mà thí sinh đăng ký trước đó. Do vậy, khi điều chỉnh NV, thí sinh cần hết sức thận trọng để tránh tình trạng điểm cao mà không trúng tuyển vào ngành mình đã đăng ký.
Muôn kiểu điểm sàn
Nhiều trường ĐH đã công bố điểm sàn xét tuyển dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố điểm sàn dành cho khối ngành sư phạm và khối ngành sức khỏe. Với kết quả điểm thi không cao bằng năm 2021, cộng với sử dụng nhiều phương thức xét tuyển nên điểm sàn của nhiều trường tương đương năm ngoái. Tuy nhiên, ở mỗi trường cũng có nhiều mức điểm sàn khác nhau. Đáng nói, nhiều trường đa ngành nhưng chỉ có một mức điểm sàn.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, điểm sàn xét tuyển cho tất cả các ngành hệ đại trà là 19 điểm. Các ngành chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế 2+2 có điểm sàn 18. Tại phân hiệu Quảng Ngãi, điểm sàn các ngành là 17 điểm. Trong khi đó, điểm sàn xét tuyển tất cả các ngành, chương trình đào tạo tại Trường ĐH Ngân hàng TPHCM là 18 điểm. Trường ĐH Sư phạm TPHCM có điểm sàn xét tuyển theo phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của 8 ngành ở mức 23 điểm, gồm: sư phạm Toán học, sư phạm Vật lý, sư phạm Hóa học, sư phạm Ngữ văn, sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Hàn Quốc và Tâm lý học…
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng có mức điểm sàn khác nhau. Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn công bố điểm sàn dao động từ 18 đến 20 điểm. Với phương thức này, trường tuyển 55% chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu năm 2022 là 3.599). Năm 2022, lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa xét tuyển tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, kết quả quá trình học tập THPT), năng lực khác và hoạt động xã hội với 75-90% tổng chỉ tiêu.
Trong đó, điểm kỳ thi đánh giá năng lực là 650 điểm, điểm thi tốt nghiệp THPT 18 điểm (theo tổ hợp xét tuyển), kết quả học tập 3 năm THPT 18 điểm (theo tổ hợp xét tuyển). Trường ĐH Công nghệ Thông tin công bố điểm sàn các ngành là 23 điểm. Trường ĐH Quốc tế có điểm sàn của 21 ngành là 18 điểm; các chương trình liên kết quốc tế là 15 điểm.
Trong khi đó, điểm sàn các trường ĐH địa phương và ĐH vùng (ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên) dao động từ 14 đến 19 điểm.
Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng học bạ THPT vào Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM
Phải thận trọng đăng ký
Năm 2022, các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, như xét tuyển kết hợp, sử dụng điểm các kỳ thi riêng, xét tuyển điểm học bạ THPT. Chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chỉ còn khoảng 40-60%, thậm chí nhiều trường chỉ còn 10% hoặc có trường không dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Vì vậy, dù điểm thi tốt nghiệp THPT không cao nhưng số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều, chỉ tiêu lại ít nên điểm chuẩn cũng sẽ đẩy lên.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuyển sinh, Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết, với những trường đa ngành dùng một mức điểm sàn xét tuyển, thí sinh phải có sự tính toán. Ví dụ những ngành được quan tâm nhiều như Kinh doanh quốc tế, Luật, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị kinh doanh, Báo chí, Logictis và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ thực phẩm…, nếu thí sinh có kết quả thi bằng mức điểm sàn thì nên chuyển hướng sang ngành khác hoặc sang những trường có mức điểm sàn thấp hơn. Với những trường tốp đầu khối kinh tế, y dược, các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, thí sinh có điểm thi cao hơn điểm sàn ít nhất từ 1-3 điểm thì mới có nhiều cơ hội.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, lưu ý, với những thí sinh đã trúng tuyển sớm ở các phương thức khác và có kết quả điểm thi không cao hơn điểm sàn thì nên đăng ký NV trên hệ thống của Bộ GD-ĐT và đăng ký NV1 với những ngành đã trúng tuyển sớm để đảm bảo cơ hội trúng tuyển. Với những thí sinh có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn điểm sàn từ 2-3 điểm, nên đăng ký vào những trường tốp và những ngành mà mình yêu thích. Những thí sinh có mức điểm bằng điểm sàn hoặc cao hơn khoảng 1 điểm nên chọn ngành ở những trường tốp giữa, trường ĐH ngoài công lập hoặc những trường địa phương.
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm, nếu muốn xác định trúng tuyển và nhập học tại trường thì cần đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT và sắp xếp để ngành mà mình đã đủ điều kiện trúng tuyển là NV1 trên hệ thống. Nếu thí sinh không đưa ngành mà mình đã đủ điều kiện trúng tuyển vào đăng ký hoặc ghi sai mã trường, mã ngành khác trở thành NV1 thì trong quá trình xét tuyển, thí sinh sẽ không có cơ hội trúng tuyển.
Vì vậy, thí sinh cần hết sức lưu ý và thực hiện đúng, chính xác các thao tác, mã ngành, mã trường khi đăng ký trên hệ thống. Việc chọn nghề nghiệp tương lai phải căn cứ vào năng lực, sở trường và sự phù hợp của bản thân, việc chọn ngành, trường và bậc học cũng phải phù hợp năng lực của bản thân và điều kiện gia đình. Nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển ở một ngành, trường nào đó theo phương thức xét tuyển sớm nhưng chưa hài lòng và muốn đặt NV vào các ngành, trường khác thì có thể ưu tiên NV1 ở các trường, ngành mà mình thích hơn.
Hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển
Để hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển và điều chỉnh NV từ nay đến ngày 20-8, nhiều trường ĐH đã tập trung nhân sự và mở đường dây nóng.
Trường ĐH Nông lâm TPHCM thiết lập hệ thống hỗ trợ thí sinh trên tất cả các kênh, các hình thức khác nhau. Nhà trường công khai 2 số điện thoại đường dây nóng 24/7 là 0898.107.460 - 0862.945.817 để hỗ trợ thí sinh.
Ngoài ra, trang fanpage chính thức và trang web của nhà trường là 2 kênh tiếp nhận thắc mắc, tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn chi tiết cho thí sinh về cách thức đăng ký xét tuyển phù hợp với quy chế và đáp ứng được NV của thí sinh. Song song đó, nhà trường đã gửi email và tin nhắn SMS thông báo kết quả xét tuyển theo phương thức xét tuyển sớm cho thí sinh, đồng thời hướng dẫn thí sinh các bước đăng ký xét tuyển, sắp xếp nguyện vọng để kết quả đủ điều kiện trúng tuyển thành kết quả trúng tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH khác cũng thành lập và tổ chức tư vấn trực tuyến trên các fanpage, kênh YouTube… để tập trung hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của thí sinh trong suốt quá trình đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng.
Theo quy định về lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, trước 17 giờ ngày 2-8, tất cả các trường ĐH trên cả nước phải cập nhật, điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (điểm sàn) trên hệ thống.
Trong ngày 2-8, nhiều trường đã hoàn thành công bố điểm sàn. Khoa Y (ĐH Quốc gia TPHCM) công bố điểm sàn dao động từ 19-22 điểm. Trong đó, ngành Y khoa và ngành Răng - hàm - mặt có mức điểm sàn cao nhất (22 điểm). Hai ngành học mở mới trong năm nay là ngành Y học cổ truyền và ngành Điều dưỡng có cùng điểm sàn 19 điểm. Trường ĐH Y dược Cần Thơ có điểm sàn xét tuyển vào 10 ngành với 3 mức: 19, 21 và 22 điểm.
Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng có điểm sàn từ 19-22 điểm (không nhân hệ số), theo tổ hợp xét tuyển B00 (Toán - Hóa - Sinh). Trường ĐH Y dược Buôn Ma Thuột có điểm sàn từ 16-22 điểm. Trường ĐH Y dược Hải Phòng có điểm sàn từ 19-22 điểm. Trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam có điểm sàn 4 ngành (Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật hình ảnh y học) với mức điểm chung là 19 điểm. Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương có điểm sàn vào 5 ngành từ 19-22 điểm, trong đó cao nhất là ngành Y khoa (22 điểm).
Trường ĐH Kinh tế TPHCM có điểm sàn tại cơ sở TPHCM là 20 điểm cho tất cả các ngành/chương trình. Phân hiệu của trường tại Vĩnh Long có điểm sàn là 16 điểm. Trường ĐH Sài Gòn có điểm sàn xét tuyển dao động từ 15-22 điểm.
Riêng các ngành sư phạm có điểm sàn từ 18-22 điểm: ngành sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh 21 điểm, sư phạm Toán học 22 điểm…