Dự thảo Luật gồm 10 điều; trong đó 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua luật này vào chiều mai, 11-1.
Tại phiên họp, một số ý kiến thẳng thắn nhận định, dự thảo chưa bám sát quan điểm chỉ xử lý những vấn đề hết sức cấp bách để hỗ trợ phát triển kinh tế. Đơn cử, việc bổ sung quy định về khái niệm, điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư ở thời điểm này chưa thực sự hợp lý, bởi lẽ Quốc hội khóa XIV khi thông qua Luật An ninh mạng đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng về các vấn đề xã hội, an ninh - quốc phòng.
Về việc sửa đổi Luật Điện lực, nhiều ý kiến đồng tình với việc cần thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, song yêu cầu cụ thể hóa hơn nữa các quy định về quản lý vận hành, khai thác và bàn giao. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia qua các thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Liên quan đến đề xuất sửa đổi khoản 1 điều 23 luật Nhà ở, ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) đánh giá cao việc Chính phủ nhận diện và tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư. ĐB nói: “Tôi rất chia sẻ với nhà đầu tư chỉ vì trong diện tích dự án không có mét vuông đất ở nào nên không thể triển khai nhà ở thương mại theo phương thức nhà nước chấp thuận nhà đầu tư đồng thời với chấp thuận dự án đầu tư, mà phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án. Như vậy là muốn đấu giá, đấu thầu cũng không xong, vì đất không thuộc diện nhà nước thu hồi thì nhà nước không thể thu hồi để đấu giá, đấu thầu được. Kết quả không thể triển khai được và xảy ra nhiều nhất ở Hà Nội, TPHCM. Nhìn nhận ở khía cạnh này thì rất bất cập, cần sớm được sửa đổi, tháo gỡ”.
Tuy nhiên, theo ĐB Ngô Trung Thành, vấn đề ở đây không hề đơn giản mà phải xem xét thấu đáo, đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc tiêu cực.
Thứ nhất, nếu thực hiện đấu giá, đấu thầu thì giá trị địa tô mang lại cho nhà nước rất lớn. Ví dụ nổi bật nhất thời gian qua là đấu giá 1 ha đất Thủ Thiêm mang lại 24.500 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Nếu diện tích này, không đấu thầu, nhà đầu tư nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thử tính 100 triệu đồng 1m2, thì chỉ thu được 1.000 tỷ đồng, chưa bằng số lẻ của bán đấu giá.
Như vậy, việc sửa đổi theo phương án trên thì nhà nước không thu được bao nhiêu, người có đất chuyển nhượng cho dự án cũng không thu được bao nhiêu. Chênh lệch địa tô sẽ cơ bản thuộc về nhà đầu tư, chủ dự án. Đây là vấn đề rất rất bất hợp lý.
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm giá đất tăng lên, chênh lệch địa tô này phải thuộc về nhà nước, phải thuộc về toàn dân.
Vẫn theo ĐB Trung Thành, vấn đề tài chính đất đai không điều chỉnh ở Luật Nhà ở mà điều chỉnh ở luật Đất đai. Do đó, không thể xử lý vấn đề chênh lệch địa tô trong Luật Nhà ở được. Nếu chúng ta sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng trên thì chỉ tháo gỡ vướng mắc cho dự án triển khai được. Nhưng lợi ích đem lại chỉ cho chủ dự án, người gom đất được hưởng. Đối với nhà nước sẽ dẫn tới nguy cơ lãng phí nguồn lực đất đai. |
Với nội dung sửa đổi như vậy, người nào gom được đất có khả năng được chuyển đổi để đầu tư dự án. Điều này chắc chắn dẫn đến phong trào gom đất. Giá đất bị đẩy lên cao hệ lụy sẽ phát sinh nhiều và rất lớn. Giá đất bị đẩy lên cao thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã khó càng khó. Khiếu nại tố cáo trong đất đai sẽ càng tăng, càng nóng nhiều hơn. Bởi vì nguyên nhân sâu xa dẫn đến khiếu nại tố cáo, khó khăn giải phóng mặt bằng chủ yếu là chênh lệch giá bồi thường với giá trên thực tế. Nay chênh lệch giá này tăng hơn nhiều thì hiện tượng trên sẽ tăng hơn…
Từ đó, ĐB Ngô Trung Thành đề nghị Quốc hội chưa nên sửa đổi khoản 1 điều 23 Luật Nhà ở như đề xuất.