Xuất lộ nhiều dấu tích
Bộ VH-TT-DL cho phép Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khai quật khảo cổ tại di tích Điện Thái Hòa sau khi HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa” vào đầu năm 2021 với kinh phí dự kiến 150 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương.
Những ngày qua, trong cái nóng bỏng rát, bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cùng các cộng sự mồ hôi nhễ nhại vẫn tỉ mẩn đào bới, thu nhận những mẫu vật dần lộ ra dưới từng lớp đất ngoài phía chái Tây và chái Đông Điện Thái Hòa. Sau khi đo đạc, đánh dấu và ghi chép cẩn trọng, những hiện vật thu được đều tạm lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để bảo quản, tránh cho hiện vật bị hư hỏng, thất lạc.
“Hơn 10 ngày mở hố khai quật, chúng tôi đã tìm thấy thềm móng bậc cấp, bó vỉa sát móng, hệ thống đá ong bó vỉa sát móng nền và dọc bậc cấp chái Tây Điện Thái Hòa, cùng lớp gạch Bát Tràng trên lớp đá ong bó vỉa sát nền móng dọc theo bậc cấp. Bên trong chái Tây xuất lộ chân móng góc điện. Ở chái Đông xuất lộ một phần bó vỉa sát chân móng ở bậc cấp phía Nam, hệ thống đá ong bó sát thềm bậc cấp mặt Bắc, đá ong bó sát chân móng chái Đông, bậc cấp lên xuống của Điện Thái Hòa”, bà Hòa cho biết.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết, đợt khảo cổ tại di tích Điện Thái Hòa kéo dài từ ngày 5 đến 22-6. Trong đó, tập trung ở khu vực bậc cấp, nền, móng của chái Đông và chái Tây Điện Thái Hòa, nhằm xác định kết cấu nền và móng, xác định loại vật liệu gia cố móng và bó vỉa xung quanh. Qua đó, góp phần hoàn chỉnh phương án bảo tồn, trùng tu tổng thể di tích này.
Tu bổ, bảo tồn di tích
Trong hơn 200 năm tồn tại và trải qua hơn 20 lần trùng tu (lần đại trùng tu gần nhất vào năm 1923), kiến trúc Điện Thái Hòa có vài phần thay đổi, xuống cấp nặng. Mùa bão lũ năm 2020, phần mái ngôi điện bị sụp, phải dùng mái tôn lợp tạm. Các cấu kiện rã mộng, khả năng chịu lực của hệ khung gỗ suy yếu, mất liên kết; toàn bộ mái thấm dột nặng…
Trước khi trùng tu tổng thể di tích Điện Thái Hòa, tại hội nghị lấy ý kiến nhà chuyên môn vào tháng 1-2021, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đưa ra phương án hạ giải toàn bộ hệ khung, kết cấu gỗ, mái lợp và thành phần trang trí để nghiên cứu, phục hồi. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu và chuyên gia cho rằng, phương án trùng tu cần tiến hành hết sức thận trọng, chuẩn mực, bài bản để làm cơ sở cho công tác trùng tu sau này. Trong đó, các đại biểu lo ngại có thể xảy ra “trùng tu giả dối” ở phần thếp vàng - có khối lượng đồ sộ ở nội thất Điện Thái Hòa. Hoặc có thể sẽ phá hủy lớp “thếp vàng thật” của di tích để thay bằng lớp “thếp vàng giả” đương đại.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng, ngoài giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, di tích Điện Thái Hòa còn chứa đựng một phần thơ văn kiến trúc cung đình đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy, cần có hạng mục riêng về tu bổ, phục hồi hệ thống “nhất thi nhất họa”, “nhất thi nhất tự” trong kiến trúc Điện Thái Hòa, cả phương thức bảo quản hiện vật đặc biệt này khi hạ giải...
Trong khi xem xét tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (bao gồm hồ sơ và biên bản tổng hợp ý kiến về phương án bảo tồn, tu bổ di tích Điện Thái Hòa), Bộ VH-TT-DL đưa ra một số lưu ý về biện pháp bảo quản đối với các cấu kiện gỗ còn tốt, gia cố tu bổ đối với các cấu kiện gỗ bị hư hỏng một phần, chỉ thay thế hạn chế đối với các cấu kiện gỗ đã hư hỏng hoàn toàn. Bộ VH-TT-DL cũng yêu cầu tiếp tục sưu tầm tư liệu để bổ sung cơ sở khoa học cho việc phục hồi nền lát gạch hoa tại hai gian đầu hồi, giữ gìn tối đa nguyên vẹn các chi tiết trang trí đắp vẽ trên mái, có giải pháp phục chế nguyên màu sắc của các thành phần trang trí trên mái như cũ… Bộ VH-TT-DL đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án và công khai nội dung tu bổ, bảo tồn di tích để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.
Rộng 1.440m², Điện Thái Hòa có kiến trúc theo lối “trùng thiềm điệp ốc” (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau), trang trí pháp lam, trên lợp ngói hoàng lưu ly, giữa đặt ngai vàng nằm dưới hệ thống bửu tán bằng gỗ thếp vàng... Đây là công trình di tích tiêu biểu thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam. |