Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,27% so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,16% - thấp nhất kể từ năm 2016; CPI bình quân quý 1 tăng 0,29% - mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua; 7/11 nhóm hàng hóa giảm so với tháng trước. Những số liệu này cho thấy, dù dịch Covid-19 bùng phát trở lại nhưng nhờ thực hiện hiệu quả việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh nên nguồn cung hàng hóa thiết yếu được đảm bảo tốt, giá cả vẫn ổn định.
Liệu kết quả trên có đồng nghĩa việc kiềm chế lạm phát khoảng 4% năm 2021 sẽ thuận lợi? Theo Công ty Chứng khoán SSI, áp lực lạm phát trong thời gian tới sẽ không nhỏ khi tổng cầu đang phục hồi cùng với nền so sánh thấp của năm 2020. Chi phí vận tải cũng tăng mạnh do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng kéo dài từ năm 2020. Mức tăng này sẽ gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất cũng như giá tiêu dùng trong ngắn hạn.
Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% - cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (khoảng 6%). Theo kịch bản được Chính phủ đề ra, quý 1, GDP cần phải tăng 5,12%, nhưng thực tế tăng 4,48%. Mức tăng trưởng quý 1 thấp hơn kịch bản nên các quý tiếp theo tốc độ tăng trưởng phải cao hơn kịch bản đề ra nhằm “bù” lại mức tăng cho quý 1. Tiêu dùng nội địa và đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2021. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến diễn biến giá cả hàng hóa thời gian tới.
Giá xăng trong nước vừa được điều chỉnh tăng trong bối cảnh giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh. Ngày 29-3, giá dầu thế giới tăng gần 1%, đưa giá dầu Brent lên 64,98 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ WTI lên 61,56 USD/thùng. Theo đại diện Tổng cục Thống kê, nếu giá dầu thô trung bình khoảng 60 USD/thùng thì CPI năm 2021 sẽ tăng thêm 0,9%. Những kỳ điều hành xăng dầu gần đây, liên bộ Công thương - Tài chính đã tỏ ra thận trọng bằng cách liên tục sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp ảnh hưởng của giá dầu thế giới tăng cao lên giá hàng hóa trong nước.
Để hỗ trợ kinh tế vượt qua khó khăn do dịch bệnh, nhiều nước trên thế giới đã tung ra các gói kích thích kinh tế, trong đó riêng Mỹ đưa ra gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD. Việc bơm tiền sẽ làm giá trị đồng tiền giảm giá và là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng cao. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi đã nới lỏng chính sách tiền tệ để phục vụ phát triển kinh tế. Thời gian qua, lãi suất ngân hàng đã xuống tương đối thấp và khi sản xuất phục hồi, nhu cầu về tín dụng tăng sẽ có khả năng thúc đẩy lạm phát tăng cao. Bên cạnh các tác động nêu trên, năm 2021, áp lực tăng giá hàng hóa trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình; một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng nhiều nhưng không xem xét tăng giá trong năm 2020.
Kinh tế thế giới, trong nước còn nhiều yếu tố bất định liên quan đến dịch bệnh nên tổng cầu khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại như giai đoạn trước dịch; nhiều lĩnh vực như lưu trú, du lịch, giải trí, hàng không... vẫn khó khăn. Vì vậy, dự báo, giá các mặt hàng thiết yếu thời gian tới sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều hành giá cần tiếp tục tiến hành thận trọng, linh hoạt và chủ động. Các chính sách tài khóa, tiền tệ cần phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Công tác phòng chống dịch Covid-19 vẫn phải tiếp tục được đẩy mạnh để ổn định sản xuất, thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa. Bên cạnh đó, cần cân nhắc lùi lộ trình tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý nếu áp lực lạm phát lớn hơn.