Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự thảo luật đã được bổ sung 3 điều; sửa đổi, bổ sung 5 điều; sửa đổi, bổ sung 17 khoản và 14 điểm. Trong số những nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung, các ý kiến tại phiên họp bày tỏ quan tâm đến quy định về phân tuyến giám định tư pháp. Để khắc phục tình trạng cơ quan tố tụng các cấp hiện nay chỉ tập trung trưng cầu một số bộ, cơ quan ngang bộ ở trung ương mà ít trưng cầu cơ quan, tổ chức ở địa phương, gây quá tải cho các cơ quan trung ương, trong khi hệ thống tổ chức giám định ở địa phương đã được thành lập và đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, đủ điều kiện để thực hiện giám định, dự thảo luật sửa đổi đã bổ sung khoản 4 Điều 25 có tính chất “phân tuyến” việc trưng cầu và thực hiện giám định.
Cụ thể, dự thảo quy định: “Đối với giám định lần đầu, người trưng cầu giám định ở cấp huyện, cấp tỉnh trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định trên địa bàn cấp tỉnh thực hiện giám định. Trường hợp nội dung cần giám định lần đầu vượt quá năng lực, điều kiện giám định của cá nhân, tổ chức giám định ở địa phương thì người trưng cầu giám định trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định ở địa phương khác có đủ điều kiện hoặc trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định ở cấp trung ương thực hiện giám định”. Trong khi đó, người trưng cầu giám định ở cấp trung ương có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp ở cấp trung ương hoặc ở địa phương thực hiện giám định. Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn, đồng thời vẫn bảo đảm nguyên tắc cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có quyền tự lựa chọn trưng cầu cơ quan, tổ chức thực hiện giám định theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Qua thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định: “Việc bổ sung quy định này là không cần thiết, vì theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp cho thấy, hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự hiện nay đang đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng và không có vướng mắc lớn. Đối với việc giám định tư pháp theo vụ việc, số lượng trưng cầu giám định vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại các bộ, cơ quan ngang bộ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, không đủ cơ sở để xác định quá tải công việc”. Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp lý giải thêm, việc trưng cầu giám định là hoạt động mang tính chuyên môn, khoa học; các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc do các bộ, cơ quan ngang bộ công nhận và công bố, không phân cấp Trung ương và địa phương. Việc trưng cầu tổ chức giám định, người giám định theo vụ việc nào là quyền lựa chọn của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc tán thành quan điểm của cơ quan thẩm tra và nhấn mạnh, việc giám định tư pháp phải đảm bảo tính chất độc lập và đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng. Thực tiễn giải quyết nhiều vụ án, nhiều trường hợp phải trưng cầu giám định của cơ quan Bộ Quốc phòng, nếu phân tuyến như thế này thì không đảm bảo độc lập và khách quan. Nhiều vụ án giao thông nếu thực hiện theo các quy định như dự thảo này là không đáp ứng được yêu cầu về thời gian.