Quyền sở hữu người mua bị đe dọa
Theo Thông tư số 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, khi chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải giữ lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (không giao cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe) và đến nộp cho cơ quan đăng ký xe chứng nhận đăng ký xe, biển số xe để làm thủ tục thu hồi. Giả thiết, trong trường hợp chiếc xe mang biển số TPHCM mà phương tiện sẽ bán cho một người ở tỉnh, thành phố khác thì sau khi làm thủ tục công chứng xong, chiếc xe được chuyển cho chủ mới, còn chủ cũ phải mang biển số, giấy tờ đăng ký xe để làm thủ tục thu hồi. Nếu chủ cũ không làm hoặc chậm làm thủ tục thu hồi thì người mua không làm được thủ tục đăng ký xe để lấy biển số và giấy chứng nhận. Ngoài ra, người chủ cũ nếu chẳng may xảy ra tai nạn, nằm một chỗ hoặc mất tích thì ai sẽ là người làm thủ tục thu hồi để người mua đi đăng ký xe?
Mặt khác, nhiều người do cần tiền nên đã mang xe đi bán với giá thành thấp hơn thị trường để có khoản tiền sử dụng. Khi công chứng xong, người chủ cũ chần chừ, chậm làm thủ tục thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; sau đó, người chủ cũ có tiền, đổi ý không muốn bán xe, đề nghị trả lại xe và hủy hợp đồng mua bán. Vậy người mua xe phải lệ thuộc vào người bán thì không sòng phẳng.
Để người mua xe cũ không bị thiệt thòi, ông Nguyễn Trường Thịnh, công chứng viên Văn phòng Công chứng Nguyễn Trường Thịnh (TPHCM), cho rằng, Thông tư 24/2023/TT-BCA cần thêm quy định rằng bên bán hoặc bên mua đều có thể tự làm thủ tục thu hồi, như vậy sẽ giảm thiểu tranh chấp và rủi ro cho người mua hơn. Nhằm tránh trường hợp xảy ra tranh chấp, ngay khi làm hợp đồng mua bán xe, bên bán cần làm một văn bản ủy quyền cho bên mua để bên mua chủ động trong việc thực hiện thủ tục thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, tránh bị phụ thuộc bên bán cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của bên mua.
Dễ xảy ra giấy tờ “mẹ bồng con”
Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định chủ xe sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông mới được đăng ký xe. Đối với ô tô, nếu vi phạm giao thông mà chưa nộp phạt thì sẽ không đăng kiểm được. Tuy nhiên, đối với xe gắn máy, có thể xảy ra trường hợp người chủ xe tên A làm hợp đồng ủy quyền bán cho người tên B, và tiếp tục người tên B làm hợp đồng ủy quyền cho người tên C. Nếu người tên A không tìm được người tên C để làm hợp đồng mua bán thì khi xảy ra vụ việc vi phạm giao thông, người tên A sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, người tên A có quyền lên cơ quan công an báo mất xe, đăng ký biển số này cho chiếc xe mới. Khi đó, người tên C đã vô tình điều khiển xe gian, xe mất cắp.
Ở góc độ khác, nếu người A khi báo mất xe đã cấp được giấy chứng nhận và biển số xe gắn vào xe khác thì người C cầm hợp đồng ủy quyền đang giữ bộ giấy tờ đúng số khung, số máy và biển số xe, dù trên hệ thống không còn hợp lệ. Theo một cán bộ đăng ký, điều này dẫn đến sẽ có một bộ giấy tờ “hợp lệ” với xe đang lưu thông, giống như là dạng giấy tờ “mẹ bồng con”. Trong trường hợp chủ biển số xe đã chết, CSGT vẫn khó tìm được dữ liệu thông tin người chết. Trừ trường hợp xe đó vi phạm giao thông hoặc xảy ra vụ án tranh chấp, hình sự thì mới có thể biết được chủ biển số xe đã chết, biển số không còn tồn tại. Ngoài ra, trong trường hợp các biển số tự hủy đưa về kho số, cán bộ đăng ký biển số cũ cho người dân hay đăng ký biển mới.
Công chứng viên Nguyễn Trường Thịnh cho biết, biển số xe cũng là một loại tài sản của chủ sở hữu theo quy định pháp luật. Bởi vì khi đăng ký xe, chủ sở hữu đã đóng tiền phí, lệ phí theo quy định để được cấp biển số. Trong Thông tư 24/2023/TT-BCA chưa quy định rõ về vấn đề sau khi thu hồi biển số, người dân được cấp lại có phải tốn thêm chi phí hay không. Theo công chứng viên Nguyễn Trường Thịnh, biển số vẫn nên để cho người bán giữ lại, vì đây cũng là một loại tài sản của chủ sở hữu xe trước đó. Trong thời hạn 5 năm, nếu chủ xe mua xe mới, đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục xe cho biển số cũ thì chỉ cần cấp lại giấy chứng nhận, tránh trường hợp gây thất thoát, lãng phí.