Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay trung bình có 45% tổng chỉ tiêu của các học viện, đại học và trường đại học, cao đẳng sư phạm (gọi tắt là ĐH, CĐ) xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Với kết quả phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng, bài thi đạt điểm cao tăng khá nhiều ở các môn nên điểm sàn xét tuyển, điểm trúng tuyển một số ngành ở nhiều trường sẽ cao hơn năm 2020. Do đó, khi được thực hiện điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần hết sức thận trọng.
Điểm chuẩn sẽ cao hơn
Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 của các trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kết quả thi tốt nghiệp THPT (điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển), chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển. Nếu điểm trung bình cao, bài thi có điểm 8 trở lên nhiều thì việc xét tuyển sẽ có thuận lợi hơn do dải điểm cũng rộng hơn, các trường có thuận lợi trong việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Việc nhiều trường tuyển sinh riêng, tuyển sinh bằng phương thức khác cũng sẽ góp phần khiến điểm chuẩn năm 2021 nhích cao hơn.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, với kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 mà Bộ GD-ĐT thống kê cho thấy điểm chuẩn các khối A00 (Toán - Lý - Hóa), A01 (Toán - Lý - Anh), D00 (Toán - Văn - Anh) sẽ cao hơn năm trước. Cụ thể, tổ hợp A00 có thể tăng 0,5-1 điểm, tổ hợp A01 tăng 1-2 điểm, tổ hợp B00 tăng 1-1,5 điểm, tổ hợp D01 tăng khoảng 2 điểm, các tổ hợp xã hội có Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân điểm chuẩn cũng tăng ít nhất 1 điểm. Bên cạnh đó, điểm chuẩn các tổ hợp có môn tiếng Anh sẽ tăng hơn các tổ hợp khác ít nhất khoảng 1 điểm.
Điển hình như các trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay chỉ dành 45-50% tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2021. Năm 2021, điểm sàn của các trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố có nhiều ngành điểm sàn xét tuyển cao hơn điểm chuẩn năm 2020. Về điểm chuẩn, năm 2020 Trường ĐH Công nghệ điểm chuẩn dao động từ 22,4 đến 28,1 điểm (điểm sàn năm nay từ 18-24 điểm). Trường ĐH Khoa học Tự nhiên điểm sàn năm nay từ 18-21 điểm trong khi điểm chuẩn năm 2020 chỉ từ 17-26,1 điểm. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn điểm chuẩn năm 2020 từ 16-24,75 điểm trong khi điểm sàn năm nay thấp nhất 18 điểm… Một điểm đáng lưu ý là năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội còn dành nhiều chỉ tiêu cho thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH này tổ chức.
Trong khi đó, ĐH Quốc gia TPHCM chưa công bố điểm sàn nhưng năm nay điểm chuẩn của ĐH này ở nhiều trường sẽ tăng. Cùng với việc xét tuyển bằng kết quả kỳ thi ĐGNL do ĐH này tổ chức, các trường thành viên còn xét tuyển bằng phương thức khác nên chỉ tiêu xét tuyển cho thí sinh dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 còn khoảng 40-50%.
Cùng với đó, nhiều trường ĐH lớn khác tại phía Nam cũng sử dụng ít nhất từ 30-45% chỉ tiêu để xét tuyển bằng điểm học bạ THPT, chưa kể xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển bằng kết quả ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Nếu tính riêng điểm chuẩn xét học bạ THPT mà các trường vừa công bố cũng thấy rằng điểm chuẩn năm nay đã tăng ít nhất 1-2 điểm so với năm 2020.
Lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng
Việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh lại lịch tuyển sinh ĐH, nhất là thời gian điều chỉnh nguyện vọng (NV), theo các trường là tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh trong mùa tuyển sinh năm 2021.
Th.S Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, thí sinh chỉ nên điều chỉnh NV trong các trường hợp: chưa trúng tuyển ngành nào, trường nào bằng các phương thức khác; điểm thi cao hơn nhiều so với dự kiến, cao hơn nhiều so với điểm chuẩn của ngành hoặc trường đó các năm trước hoặc điểm thi quá thấp; trước đó đăng ký quá ít NV hoặc đăng ký không đúng ngành yêu thích, không hiểu ngành, chọn đại mà chưa tìm hiểu kỹ về ngành, nghề đó như thế nào.
Về nguyên tắc, thí sinh đăng ký các NV theo thứ tự mức độ yêu thích. Ngành nào yêu thích nhất để vào NV cao nhất (NV1) rồi sau đó những ngành tiếp theo thứ tự giảm dần độ yêu thích của mình. Khi thay đổi NV, thí sinh nên viết ra giấy và sắp xếp các NV của mình. Sau khi sắp xếp, chọn xong thứ tự các ngành, tổ hợp xét tuyển thì mới mở máy tính đăng ký xét tuyển.
Trường hợp 1, nếu điểm thi tốt nghiệp THPT rất cao, cao hơn nhiều so với điểm chuẩn năm trước của ngành mình chọn, thí sinh yên tâm cứ đăng ký NV của mình đặc biệt yêu thích. Chú ý nên để ít nhất khoảng 4-5 NV là ổn.
Trường hợp 2, nếu điểm thi tốt nghiệp THPT ngang bằng, gần bằng hoặc hơn thấp hơn điểm chuẩn các năm trước thì NV 1 vẫn nên để là ngành mình yêu thích (dù điểm chuẩn năm 2020 bằng hoặc cao hơn nhiều với điểm thi của mình).
“NV 2 và các NV tiếp theo là những ngành mình yêu thích và có điểm chuẩn các năm trước tương đương với điểm thi của mình. Cuối cùng vẫn nên để 2-3 NV vào ngành mình yêu thích và muốn học có điểm chuẩn các năm thấp hơn điểm thi của mình để chắc chắn trúng tuyển ĐH”, Th.S Phùng Quán lưu ý.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM khuyên thí sinh hãy đọc và nghiên cứu thật kỹ trước khi đổi NV. Bộ GD-ĐT đã cho các bạn được nghiên cứu tới ngày 28-8 và điều chỉnh từ ngày 29-8 đến 17 giờ ngày 5-9. Điều này sẽ giúp cho thí sinh có thêm thời gian để nghiên cứu và chọn lọc ra những ngành, trường phù hợp hơn, mức học phí vừa phải hơn với điều kiện kinh tế của mình. Cùng với đó, các trường ĐH cũng phải họp hội đồng tuyển sinh nhiều hơn để nghiên cứu các phương án cho dự kiến điểm sàn để xét tuyển. Và các trường ĐH sẽ nghiên cứu các mức hỗ trợ cho tân sinh viên để các em có thể nhập học được thuận lợi nhất. Với thời gian điều chỉnh thuận lợi hơn nhiều so với năm 2020 nên thí sinh có đủ thời gian để suy nghĩ khi điều chỉnh NV, đồng thời thí sinh hãy tận dụng thời gian để tìm hiểu thông tin trực tiếp từ các trường mình muốn đăng ký trước khi điều chỉnh NV.