Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định vừa ký công văn phúc đáp văn bản số 1067/TTg-KGVX ngày 5-8 của Thủ tướng Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và đồng chí Chủ tịch Quốc hội đề nghị tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và văn bản số 1071/TTg-KGVX đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ khác với quy định của luật.
Theo đó, UBTVQH đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội và cho rằng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đã bám sát, cơ bản thống nhất với Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoàn chỉnh thêm dự thảo Nghị quyết, tập trung vào một số nội dung cần xin ý kiến UBTVQH hoặc khác với quy định của luật.
Trong đó, về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch (khoản 1 Điều 1), UBTVQH đề nghị Chính phủ cần cụ thể hóa hơn nữa các biện pháp được nêu tại điểm 3.1 của Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Cụ thể như đối với biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết thì nên quy định và phân cấp rõ cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với phạm vi và mức độ nguy cơ của dịch; giới hạn rõ thời hạn hạn chế tối đa là bao lâu, nếu vượt quá mức này thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; tiêu chí để xác định khu vực, địa bàn nào là khu vực, địa bàn cần thiết.
Đối với các biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc thì cần liệt kê cụ thể các biện pháp được áp dụng (ví dụ như phá sóng vô tuyến của một số khu vực, thu giữ phương tiện thông tin, liên lạc, yêu cầu cài đặt ứng dụng bắt buộc, định vị theo dõi phục vụ truy vết...).
Cần nêu cụ thể các biện pháp khác có thể được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp đối với tình hình dịch bệnh hiện nay hoặc viện dẫn điều, khoản cụ thể của các luật, pháp lệnh có liên quan (Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Quốc phòng, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp…) vì đây là các biện pháp đặc biệt, có thể hạn chế quyền công dân trong một số trường hợp.
Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch UBND có thể quyết định áp dụng các biện pháp tương ứng với mức độ nguy cơ cao hơn diễn biến dịch thực tế tại địa bàn tại thời điểm ra quyết định, nhưng vẫn phải bảo đảm trong khung quy định chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trường hợp địa phương thấy cần áp dụng biện pháp khác chưa được quy định thì nhất định phải báo cáo và có ý kiến của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện.
Trường hợp chưa thể quy định cụ thể ngay trong Nghị quyết này thì Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp được quy định tại các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý chung, thống nhất với các giải pháp cụ thể (cả về nội dung, phạm vi, thẩm quyền và thủ tục áp dụng), đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.
Về các cơ chế, chính sách đặc thù, UBTVQH đề nghị Chính phủ đưa ra một Chiến lược tổng thể về vaccine, trong đó có cơ chế phân bổ, sử dụng và phác đồ tiêm vaccine thống nhất trên toàn quốc.
Để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề cấp giấy lưu hành thuốc điều trị và vaccine phòng Covid-19, kể cả khi được phê duyệt sử dụng khẩn cấp thì các bước quan trọng, các tiêu chí bắt buộc cũng không được bỏ qua.
Đồng thời, cần cung cấp đầy đủ các dữ liệu khoa học của tất cả các bước thử nghiệm thuốc, vaccine; tổ chức đánh giá dữ liệu này một cách cẩn trọng, phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Về tài sản nhận viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, UBTVQH tán thành với quy định không áp dụng tiêu chuẩn, định mức đối với tài sản nhận viện trợ, tài trợ, hỗ trợ để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quyết định công bố dịch của cơ quan có thẩm quyền tại điểm h, khoản 4, Điều 2.
Tuy nhiên, đối với tài sản mua sắm để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian có dịch thì cần quy định rõ ngoài việc được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh như Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã cho phép, vẫn đồng thời phải bảo đảm định mức, tiêu chuẩn, tránh tình trạng mua sắm hàng hóa, vật tư, thiết bị phục vụ phòng, chống dịch không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người.
Chính phủ cũng cần giao trách nhiệm cho một cơ quan giúp Chính phủ theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bao gồm cả những kinh nghiệm hay cũng như những vướng mắc và kiến nghị, đề xuất trong quá trình phòng, chống dịch bệnh để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo UBTVQH quyết định theo Nghị quyết số 30/2021/QH15; tổng hợp báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp này.
Trên cơ sở đó, tổng kết, rút kinh nghiệm và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực này nhằm thực hiện nội dung quy định tại điểm 3.7 của Nghị quyết số 30/2021/QH15.