Chiều 27-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM; Tô Đại Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.
Chưa có luật nào để đánh giá và kiểm soát tin giả
Trả lời câu hỏi liên quan đến tình hình và phương thức xử lý tin giả, tin sai sự thật trên địa bàn TPHCM, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM thông tin, tình trạng tin giả, tin sai sự thật diễn biến rất nhanh mà chưa có luật nào để đánh giá và kiểm soát mang tính bài bản. Quan điểm của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Sở TT-TT TPHCM là khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật thì luôn chú trọng đấu tranh, phản bác kịp thời.
Từ tháng 6-2021 đến đầu tháng 8-2021, các dấu hiệu khoanh vùng chủ yếu tập trung vào 5 nhóm (thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc về việc chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, việc phân biệt vùng miền; thông tin giả, sai sự thật về công bố hiệu quả của các loại vaccine; xuyên tạc chính sách bổ sung, phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ; diễn biến về dịch bệnh tại các diểm nóng; xuyên tạc về khả năng cung ứng vaccine của một số đơn vị, doan nghiệp, tổ chức cá nhân và các biện pháp phòng, chống dịch).
Trong khi đó, từ giai đoạn đầu tháng 8-2021 đến nay, việc các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin giả, thông tin sai sự thật, đặc biệt là có hiện tượng xây dựng các hoàn cảnh, các câu huyện hư cấu để “câu nước mắt”, lấy niềm tin, tranh thủ lòng hảo tâm, sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Việc này, sở xác định phải tập trung đấu tranh và đang tập trung đấu tranh, xử lý. Kết quả bước đầu đã có, nhưng để làm căn cơ và triệt để thì sẽ tiếp tục phối hợp với Công an TPHCM và Bộ TT-TT và sẽ công bố kết quả xử lý.
Ông Từ Lương đề nghị người dân khi tiếp cận thông tin trên mạng thì cần thận trọng khi chia sẻ, bình luận các thông tin chưa rõ đúng, hay sai. Cần phát huy tinh thần trách nhiệm công dân khi chia sẻ các thông tin như vậy, bởi thông tin là giả nhưng hậu quả là thật. Thời gian vừa qua, Sở đã xử lý hành chính rất nhiều trường hợp vi phạm trên địa bàn TPHCM. “Việc này sẽ được làm thường xuyên, liên tục”, ông Từ Lương nhấn mạnh.
Hiện nay, Tổng đài 1022 đang bị quá tải, nhiều người dân phản ánh khi gọi đến không có người nghe máy, nhắn tin vào cổng 1022 cũng không được phản hồi. Trả lời câu hỏi về giải pháp để khắc phục, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM thông tin, đối với nhánh 0 (từ ngày 28-5 đến ngày 25-8), Cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận và chuyển hơn 47.000 tin phản ánh, tin báo của người dân liên quan đến các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đến UBND và cơ quan chức năng các cấp. Hơn 80% số tin đều được các cơ quan, đơn vị xử lý, giải đáp và cung cấp thông tin cho người dân kịp thời.
Trong khi đó, nhánh 1 (từ ngày 16-7 đến 25-8), đường dây nóng của HDNĐ TPHCM qua tổng đài 1022 đã tiếp nhận và chuyển xử lý 335 ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri.
Đặc biệt, nhánh 2 (từ ngày 22-7 đến 25-8), đã tiếp nhận và chuyển xử lý hơn 179.000 yêu cầu hỗ trợ từ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đến Sở LĐTB-XH TPHCM, UBND và cơ quan chức năng các cấp để kịp thời hỗ trợ người dân. Tỉ lệ xử lý hoàn tất hơn 70% tổng số tin, còn lại là các trường hợp chưa đủ điều kiện.
Nhánh 3 (từ ngày 23-7 đến 25-8), các bác sĩ, chuyên gia đã thực hiện hơn 26.200 cuộc gọi tư vấn sức khỏe cho người dân.
Nhánh 4 (từ ngày 6-8 đến 25-8), các tình nguyện viên đã tiếp nhận 65.225 cuộc gọi đề nghị hỗ trợ.
Theo ông Lê Quốc Cường, hiện nay, Cổng thông tin 1022 có nhiều phương thức tiếp nhận thông tin, đảm bảo tiếp nhận thông tin 24/7 và không gián đoạn. Cụ thể, Cổng thông tin 1022 đã có 5 kênh tiếp nhận chính, bao gồm thoại, thư điện tử, website, ứng dụng di động và mạng xã hội (Facebook, Zalo).
Ông Lê Quốc Cường nhấn mạnh, gọi điện thoại chỉ là một phương thức trong nhiều phương thức. Ngoài điện thoại, người dân có thể phản ánh thông tin bằng các cách khác, đơn giản nhất là zalo, hoặc qua trang web. “Tất cả phản ánh của người dân qua Cổng thông tin 1022 đều có thể được công khai nội dung và kết quả xử lý của cơ quan chức năng, phục vụ công tác giám sát, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo quản lý, giám sát và đánh giá sự hài lòng từ người dân, cộng đồng”, ông Lê Quốc Cường nhấn mạnh.
Về hỗ trợ người dân, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng Phòng Lao động Tiền lương – Bảo hiểm xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM thông tin, trường hợp người dân thực sự bức bách, khó khăn thì được hỗ trợ theo diện hộ khó khăn. Người dân không cần phải làm bất cứ thủ tục gì mà do phường, xã, thị trấn thực hiện theo danh sách từ khu phố, tổ dân phố đưa lên.
Trả lời câu hỏi về việc có hỗ trợ tiền nhà trọ hay không, ông Nguyễn Bảo Cường thông tin, TPHCM có chính sách hỗ trợ đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt thường trú, tạm trú, không phân biệt ngành nghề - kể cả sinh viên, cứ khó khăn là được hỗ trợ 1,5 triệu/hộ.
Trước đây, TPHCM có gói quà 300.000 đồng và 1,2 triệu đồng tiền mặt. Tuy nhiên, nếu hộ nào chưa lãnh (do danh sách bổ sung sau), thì sẽ nhận luôn 1,5 triệu đồng/hộ. “Tiền này có thể dùng trả tiền nhà trọ, hoặc mua thực phẩm… Đó là chính sách để giúp cho các hộ gia đình trang trải kinh phí cuộc sống”, ông Nguyễn Bảo Cường chia sẻ.
Hiện, TPHCM hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: 67.243 lao động (đạt tỷ lệ 98%), kinh phí hỗ trợ 140,6 tỷ đồng.
Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 193 lao động (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 396 triệu đồng.
Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm trong đợt 1 (chốt đến ngày 8-8) là gần 366.000 người với số tiền gần 549 tỷ đồng; đợt 2 đến nay hỗ trợ 478.471 (trong tổng số hơn 1 triệu lượt lao động, đạt tỷ lệ 48%), kinh phí hỗ trợ gần 718 tỷ đồng. Tổng cộng 2 đợt là hơn 1.266 tỷ đồng.
Hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động: 5.861 hộ (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 11,7 tỷ đồng.
Hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống: 20.810 (đạt tỷ lệ 98%) kinh phí hơn 32 tỷ đồng.
Hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: đã giải quyết cho 101.356 đơn vị với 2,3 triệu người lao động, kinh phí hỗ trợ: 1.060 tỷ đồng.
Hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: đã giải quyết cho 144 đơn vị với 30.000 người lao động, kinh phí hỗ trợ 231 tỷ đồng.
Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật: 139 người (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ gần 516 triệu đồng.
Hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch: 248/6.124 người (đạt tỷ lệ 4%), kinh phí hỗ trợ 920 triệu đồng.
Hỗ trợ hộ lao động khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa…: 273.112/1,2 triệu hộ (đạt tỷ lệ 22%), kinh phí 393 tỷ đồng.
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo: 53.746 hộ được UBND TP Thủ Đức, quận, huyện thống nhất (đạt tỷ lệ 99,7%), kinh phí 58 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình thông tin, trong 24 giờ qua, tình hình chung trên toàn thế giới ghi nhận tổng số ca mắc Covid-19 đều tăng trên các châu lục. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình thông tin tại buổi họp báo Cụ thể, đến thời điểm hiện nay, có hơn 215,6 triệu ca mắc Covid-19 và số người tử vong là 4.490 trường hợp. Riêng tại Mỹ đã tăng hơn 100.000 ca và điều đáng chú ý, đây là con số tăng cao nhất tính từ đầu tháng 1-2021 đến nay. Đặc biệt, so sánh với cùng tháng 8-2020 (thời điểm chích ngừa chưa cao), thì con số mắc Covid-19 gấp đôi cùng kỳ. Quan chức của cơ quan vaccine và phòng dịch của Hoa Kỳ đánh giá rằng biến thể Delta thực sự là yếu tố đã “thay đổi cuộc chơi”, thay đổi cục diện dịch bệnh. Vì tình hình mới như vậy nên đang có sự khác biệt nhau về ứng xử đối với đợt bùng dịch mới này. Tại châu Âu, Pháp và Bỉ tiếp tục tăng cường giãn cách vì số mắc mới và tử vong đều tăng cao. Tại Nga, số tử vong cũng tăng cao trong thời gian cao. Tại Mexico, 24 giờ qua tăng trên 20.000 ca và 800 trường hợp tử vong. Nước này vừa phê chuẩn sử dụng mọi loại vaccine, trong đó có vaccine Vero Cell. Tại Newzealand, đã phát hiện 70 ca trong cộng đồng và đất nước này đã kéo dài thời gian full lockdown (phong tỏa ở mức độ 4) trên toàn đất nước một cách rất chặt chẽ. Tại Việt Nam, ngoại giao vaccine đang tích cực. Nhiều quốc gia đã cam kết viện trợ, chia sẻ vaccine cho Việt Nam. Đáng chú ý, vaccine Việt Nam đã đi qua những bước và tiến gần hơn đến việc triển khai. Đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay đang đi đúng hướng và điều quan trọng là Đảng bộ, chính quyền và người dân cùng chung chiến tuyến phòng, chống dịch Covid-19. |