Tháng 10-2023, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất, chấm dứt chuỗi 10 lần tăng liên tiếp với mức tăng tổng cộng 4,5% kể từ tháng 7-2022 để đối phó với lạm phát đỉnh 10,6%. Các chuyên gia kinh tế dự báo ECB sẽ thực hiện cắt giảm tổng cộng 1,46% lãi suất cơ bản trong năm 2024 với khả năng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 3 là 0,5%.
Theo ông Daniel Morris, giám đốc chiến lược thị trường tại bộ phận đánh giá tài sản của ngân hàng BNP Paribas, sẽ hợp lý hơn nếu ECB cắt giảm lãi suất trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có hành động tương tự vì nền kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) yếu hơn so với Mỹ. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ vẫn mạnh và FED có đủ khả năng chờ đợi thêm các dấu hiệu lạm phát chậm lại. Việc cắt giảm lãi suất 0,25% đầu tiên của Mỹ được lên kế hoạch vào tháng 5 và có thể FED sẽ có 6 đợt giảm trong cả năm 2024, đưa lãi suất cơ bản về mức 3,75%-4%, từ mức 5,25%-5,5% hiện nay.
Trong những tuần cuối cùng của năm 2023, các nhà đầu tư tin rằng các ngân hàng trung ương ở cả hai bờ Đại Tây Dương sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất nhanh chóng trong năm nay, thúc đẩy đợt phục hồi trái phiếu toàn cầu kéo dài 2 tháng lớn nhất trong vài năm. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất nhiều hay ít, kéo dài hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tại Eurozone, tỷ lệ lạm phát tăng từ mức 2,4% trong tháng 11-2023 lên 2,9% trong tháng 12-2023.
Tại Mỹ, lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,2% vào tháng 12-2023 so với tháng liền kề và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022. Hơn nữa, ông Craig Inches, người đứng đầu bộ phận lãi suất tại công ty quản lý đầu tư Hoàng gia London Asset Management, cho rằng, áp lực lạm phát đang gia tăng do căng thẳng ở Trung Đông là một trong những yếu tố khó dự báo với các ngân hàng trung ương, hầu như không ai có thể dự báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu. Khi đó, việc cắt giảm lãi suất sẽ được xem xét lại.