Thận trọng cả khi tấn công và khi tự vệ

Trong một số vụ án thời gian gần đây, có tình tiết gây ra án mạng khi tự vệ hay tấn công kẻ trộm cướp. Có dư luận không đồng tình, cho rằng việc tự vệ hay tấn công kẻ trộm cướp là quyền chính đáng. Bạn đọc Báo SGGP đã phân tích, nêu ý kiến về vấn đề này. 

Không vì ngăn chặn hành vi phạm pháp mà phạm pháp

Trong việc truy bắt đối tượng phạm pháp quả tang, cần phải bảo đảm an toàn cho bản thân và những người khác, kể cả đối tượng bị truy đuổi. Việc mất mát một tài sản lớn hay để xảy ra phạm pháp là điều không ai muốn, nhưng sự an toàn của con người trong phần lớn các trường hợp còn quan trọng hơn. Vì vậy, không nên vì xót của hoặc vì bức xúc trước hoạt động phạm tội mà xem nhẹ tính mạng của mình để quyết lấy lại tài sản hoặc bắt bằng được tên cướp.
Việc làm tổn thương nghiêm trọng đến đối tượng phạm pháp (hoặc bất kỳ ai) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc gây ra những thiệt hại về tài sản, tính mạng người khác. Ví dụ, khi người truy bắt trộm sử dụng những hung khí nguy hiểm để sát thương kẻ trộm, hoặc nhiều người cùng truy đuổi một người, thì khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, những người liên quan khó giải thích là mình phòng vệ chính đáng.

Không chỉ vậy, với một số hành vi phạm pháp quả tang, dù rất đáng lên án (như trộm cắp, cướp giật) nhưng xét cho cùng, kẻ phạm pháp không hẳn đã là tội phạm (chẳng hạn, lần đầu trộm tài sản có giá trị chưa đến 2 triệu đồng), hoặc có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa bị tòa án có thẩm quyền kết án theo quy định của pháp luật, thì cũng không thể hành xử tùy tiện. Trên thực tế, dù nhiều người bức xúc với hành vi trộm chó, nhưng nếu vì mất 1 - 2 con chó mà ra tay đánh chết hoặc gây tàn phế kẻ trộm chó, thì đó là sự ra tay quá mức, xét cả về tình lẫn về lý. Bởi trong nhiều trường hợp, kẻ phạm pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị xử nhiều năm tù giam, thậm chí là chung thân, thì cũng không đáng chết và không phải chịu hậu quả là mất mạng.

Bản thân mỗi người phải thực sự tôn trọng tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người khác, kể cả người đó phạm pháp quả tang, chứ không tùy tiện gây thương tích hoặc tước đoạt mạng sống của họ. Tức là không vì có kẻ vi phạm pháp luật mà những người khác cũng ứng xử theo cách vi phạm pháp luật.

VÂN TÂM (quận 3. TPHCM)

Quy định rõ về tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp

Đã có những trường hợp gây ra án mạng khi tự vệ hoặc truy đuổi kẻ trộm cướp và rồi bị khởi tố, truy tố, nhận án tù do đã vượt quyền phòng vệ chính đáng. Việc xử lý pháp luật bị can hay không tùy thuộc vào kết quả điều tra, kiểm sát, xem xét kỹ diễn biến khi tự vệ hoặc truy đuổi kẻ trộm cướp có phải là tình huống bị tấn công, uy hiếp, đe dọa cưỡng đoạt tài sản và tính mạng hay không; nếu không tự vệ, không chống trả thì có thể bị sát hại hay không... Mọi người cần cẩn trọng khi truy bắt, chống trả quyết liệt với bọn trộm cướp. Bởi lẽ, giữa việc tự vệ, phòng vệ và gây án mạng có khoảng cách khá mong manh, nên khi vụ việc xảy ra, cơ quan điều tra rất khó điều tra, khó có đủ cơ sở pháp lý bênh vực người vì tự vệ, phòng vệ mà gây ra án mạng. 

Theo quy định của pháp luật nhiều nước, chưa cần xác định hành vi trộm cướp, mà chỉ cần xâm nhập gia cư bất hợp pháp, vào nhà mà chưa được sự cho phép của gia chủ, thì đương nhiên là bên có lỗi và không được pháp luật bênh vực. Thiết nghĩ, luật pháp nước ta cũng nên quy định rõ về tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp, kẻ xâm nhập gia cư với ý định hại người là vi phạm pháp luật; do vậy quy định rõ quyền của gia chủ được phép dùng biện pháp mạnh khi bị người khác xâm nhập gia cư bất hợp pháp. 

Điều 15 Bộ luật Hình sự quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”. Luật pháp xem xét hành vi phòng vệ chính đáng hay không, căn cứ tính tương quan giữa hành vi của chủ nhà với hành vi của kẻ trộm cướp, nhưng thực tế trong tình huống đối mặt kẻ trộm cướp, người dân phải đứng trước hiểm họa và phải phản ứng nhanh, phản ứng mạnh để tự vệ, làm sao có thể chần chừ chờ xem kẻ trộm cướp sử dụng hung khí gì để tấn công uy hiếp mình. Luật pháp cần phải được xây dựng trên nguyên tắc bảo vệ người dân lương thiện và sự an lành của họ. 

HOÀNG PHƯƠNG (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục