Trao yêu thương để nhận hạnh phúc
Những ngày qua, bà Lê Thị Loan (63 tuổi), Trưởng Khu phố 10, phường 15, quận Bình Thạnh (TPHCM) tất bật chuẩn bị quà, rồi kiểm tra hàng hóa cho chuyến đi trao tặng người dân, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Quảng Nam vào đầu tháng 7. Dù bận rộn cho chuyến đi, nhưng bà và những người bạn thân quen không quên công việc thường trực hàng tuần là nấu những bữa ăn nóng hổi tặng bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) và người nhà.
Điều đáng quý là trong các hoạt động, chuyến đi thiện nguyện của bà Loan đều có sự trợ sức của chồng là ông Đặng Thái Phong. Trong suốt mùa dịch Covid-19 cũng như những buổi sáng thức sớm nấu các suất ăn tặng bệnh nhân nghèo, các chuyến xuôi ngược xây cầu, xây nhà, tặng quà người dân ở các tỉnh, thành phố, ông Phong luôn đồng hành, gánh vác các công việc nặng nhọc giúp vợ. Trong một số chuyến đi, các con bà Loan cũng tham gia.
Bà Loan cho biết, khi bà bắt đầu tham gia các hoạt động thiện nguyện, chồng bà vì tất bật làm việc lo cuộc sống gia đình, các con còn nhỏ nên chưa đồng hành cùng vợ. Sau này, thấy những việc vợ làm có ý nghĩa cho cộng đồng, ông dành thời gian tham gia. Khi 3 người con của bà Loan lớn lên, thấy nghĩa cử cao đẹp của ba mẹ thì cũng góp công sức và hỗ trợ chi phí. Anh Đặng Minh Quân (con trai út của bà Loan) chia sẻ, từ nhỏ đã nhìn thấy việc ba mẹ làm và được ba mẹ dạy cách sống lương thiện, cho đi là hạnh phúc, rồi từ những chuyến đi cùng ba mẹ, chị em của anh ngấm dần và luôn sẵn sàng chung sức làm việc thiện nguyện cùng ba mẹ.
Ở khu phố 10, phường 15, quận Bình Thạnh, người dân luôn dành tình cảm tốt đẹp cho gia đình bà Loan. “Bà Loan và chồng không chỉ hết lòng, hết sức chăm lo, hỗ trợ bà con trong khu phố, mà cách các thành viên gia đình bà Loan sống yêu thương, quan tâm nhau cũng là điều chúng tôi ngưỡng mộ”, bà Nguyễn Khánh Thuận, 80 tuổi, nhận xét.
Là hậu phương của nhau
“Nay cụ Lên có khỏe không? Đã ăn uống gì chưa?”, nghe tiếng hỏi, bà Thái Thị Lên (ngụ khu phố 1, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) nở nụ cười trả lời: “Bà Ruông đến chơi”. Bà Lên năm nay hơn 90 tuổi, bị mù, nhưng nghe giọng nói thân quen đã nhận ra ngay bà Trần Thị Ruông, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hòa Thạnh, đến thăm. Hiểu người già neo đơn luôn cần người đến thăm hỏi, trò chuyện, bà Ruông dành nhiều thời gian đến nhà thăm các cụ già. Lúc thì hộp bánh, khi thì ít trái cây, bà muốn giúp các cụ già vơi bớt nỗi cô đơn. Điều đáng quý là chồng bà - ông Phạm Văn Hảo thường đồng hành cùng vợ để các buổi viếng thăm thêm rôm rả tiếng cười.
Nhìn tấm hình cưới trắng đen được người con phục hồi lại, trong ảnh, bà mặc áo dài, chân đi guốc mộc, ông Hảo mặc bộ vest với cà vạt lịch lãm, bà Ruông nhớ về đám cưới đơn sơ của vợ chồng bà vào năm 1971 trong khu nhà tập thể nghèo. Đám cưới khi ấy diễn ra đơn giản lắm, chỉ có vài cái bánh ngọt, cây thuốc lá và vài gói trà. Khách cũng chỉ vài người.
Sau đám cưới, ông Hảo về lại đơn vị tiếp tục chiến đấu, bà Ruông lại vào nhà máy để tăng ca sản xuất. Suốt thời gian dài sau khi cưới nhau là chuỗi ngày vợ chồng bà Ruông sống xa cách. “Ngày ấy, vợ tôi một mình vất vả nuôi 2 con nên người, lo chu toàn cho mái ấm này. Bà đã là hậu phương vững chắc của tôi. Giờ đây, tôi tình nguyện là hậu phương của vợ, để bà ấy an tâm lo những việc ở địa phương, cộng đồng”, ông Hảo chia sẻ.
Tình cảm gắn kết
Mái ấm nhỏ của bà Phạm Thị Bích Ly (cán bộ công đoàn chuyên trách, Công đoàn Viên chức TPHCM), Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay rộn rã tiếng nói cười. Năm nay, số thành viên trong gia đình bà đã tăng lên 7. Bữa cơm gia đình cũng thêm nhiều món ăn Việt, Lào đặc sắc.
Năm 2022, bà Ly và chồng - ông Quách Huy Phương (làm việc tại Công ty Truyền hình cáp SCTV) nhận đỡ đầu em Phoummy Bin, sinh viên Lào, học năm 3 Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (tại TPHCM). Khi ấy, vợ chồng bà Ly đã có 2 cô con gái, nên khi có thêm cậu con trai Bin, cả nhà thêm rộn rã. Những năm sau đó, vợ chồng bà Ly tiếp tục nhận nuôi thêm 2 sinh viên Lào trong chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM”. Từ khi có thêm các con, dịp cuối tuần hay ngày lễ, sinh nhật, gia đình bà rộn ràng như tết. Bà Ly dạy con nấu món ăn Việt Nam, các con dạy lại bà các món ăn truyền thống của Lào. Cứ thế, trong căn nhà nhỏ ấy không bao giờ thiếu tiếng cười và tình yêu thương.
Bà Ly kể, trước khi nhận nuôi các sinh viên Lào, vợ chồng bà và các con không biết gì nhau. Nhưng khi gặp mặt và cùng chung sống, tình cảm cứ thế lớn dần lên. Và giờ đây, 3 sinh viên Lào là thành viên không thể thiếu của gia đình bà Ly trong các dịp quan trọng hay các chuyến du lịch đây đó. “Các con gọi tôi là mẹ. Từ “Mẹ” thiêng liêng lắm và tôi luôn dành tất cả tình yêu thương cho các con, giúp các con cảm nhận đây là gia đình thứ 2 của mình. Từ ngày có thêm 3 con, các thành viên trong gia đình tôi càng thêm gắn kết. Làm gì cũng cùng nhau. Khi một thành viên có niềm vui thì niềm vui nhân lên 7, khi một thành viên buồn thì cả nhà cùng chia sẻ để nỗi buồn vơi đi”, bà Ly nói trong niềm hạnh phúc.