Để tạo ra than sinh học, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp nhiệt với chất thải hữu cơ. Theo ông Ivan Shanenkov, Trưởng phòng thí nghiệm công nghệ tiết kiệm tài nguyên bằng cách xử lý nhiệt sinh khối tại Viện X-BIO thuộc Đại học bang Tyumen, trong môi trường không có oxy, các chất thải hữu cơ như mùn cưa, rơm, vỏ hạt thông… dưới tác động của nhiệt độ sẽ chuyển đổi thành vật liệu carbon có độ xốp cao. Khi vật liệu này được thêm vào đất, cấu trúc và chế độ nước, không khí của đất được cải thiện. Ngoài ra, trong thành phần của than sinh học còn có nhiều loại nguyên tố vi lượng, đặc trưng cho từng loại nguyên liệu thô được sử dụng, tác động tích cực đến độ phì nhiêu của đất.
Theo dữ liệu của các nhà nghiên cứu, việc đưa than sinh học thu được từ phân bò và rơm lúa mì vào đất đã làm tăng 14%-23% sản lượng lúa mì vụ xuân. Việc xử lý nhiệt các loại chất thải như vậy không chỉ cho phép thu được than sinh học mà còn giải quyết vấn đề khí nhà kính sinh ra từ các bãi chôn lấp. Các nhà khoa học đang tiến hành các thí nghiệm để đánh giá thêm tác động của việc sử dụng kết hợp than sinh học và các loại phân khoáng khác đối với năng suất lúa mì.