Tờ The Age dẫn một thống kê cho biết ở Inala, 60% người dân ở đây có cả cha và mẹ sinh ở hải ngoại, 20% sinh tại Việt Nam. Bà Elin Charles-Edwards, nhà nhân khẩu học ở Brisbane, cho hay những di dân gốc Việt đến với Inala trước hết là để mưu sinh, sau đó mới quần tụ thành một cộng đồng vì có chung văn hóa.
“Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy người di cư thường tập trung ở những nơi có giá nhà rẻ, nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, theo thời gian, chính những cộng đồng dân cư được hình thành là lực hấp dẫn với người di cư và họ có xu hướng chuyển đến ở gần với cộng đồng của mình”, bà Elin chia sẻ.
Bạn có thể gặp những điều rất đỗi thân quen với nhiều người Việt ở một khoảng sân của trung tâm mua sắm Inala Plaza. Trái cây, rau củ được bày trên bàn để người mua dễ dàng lựa chọn. Bên trong các cửa hàng quây lấy khoảng sân này, những lối đi chỉ vừa một người đi, 2 bên chất đầy từ sàn đến trần nhà những chai nước mắm, đồ ăn nhẹ đóng gói cùng đủ các loại mì ăn liền. Bên ngoài, nhiều người đàn ông lớn tuổi túm tụm quanh bàn cờ.
Ông Peter Bai, 68 tuổi, người Australia gốc Việt, rời Việt Nam trước năm 1975. “Khi tôi mới đến đây (Inala), không có nhiều người Việt như bây giờ đâu. Nhiều người thích sống ở đây bởi thời tiết tốt hơn nhiều so với cái lạnh ở Melbourne”, ông Bai nói.
Hiện ông vẫn cùng 2 người con trai hàng ngày làm việc tại một nông trại ở Greenbank. Mỗi tuần, ông Bai đều đến Inala Plaza để bán nông sản và chơi vài ván cờ với bạn bè. “Quanh đây đều là người Việt. Bác sĩ, nha sĩ... cũng là người Việt. Chúng tôi có một cộng đồng người Việt lớn mạnh và hạnh phúc”, ông Bai vui vẻ chia sẻ.
Theo ông, khoảng 10-15 năm trước, ấn tượng của Inala về người Việt tại đây không được tốt nhưng mọi chuyện giờ đã khác. Cộng đồng người Việt ở Inala hiện được biết đến là những người chí thú làm ăn và đóng góp lớn cho sự phát triển của vùng ngoại ô này.
Cách không xa bàn cờ tướng của ông Bai và bạn, Vi Nguyen đang nhanh tay sắp xếp lại các khay đựng rau củ, trái cây đặt bên ngoài cửa hàng tạp hóa. Đây là cửa hàng của cha mẹ Vi nhưng hiện cô thay cha mẹ quản lý do họ còn bận rộn với cửa hàng bán thịt bên cạnh. Cô gái 23 tuổi cho biết cha mẹ rời Việt Nam vào thời điểm như ông Bai. Họ không biết nhiều tiếng Anh, giao tiếp hầu hết bằng tiếng Việt, nên họ cảm thấy thoải mái khi ở Inala. Cộng đồng người Việt ở đây cho họ cảm giác gần gũi như quê nhà. Bản thân Vi, sinh trưởng tại Australia, nhưng vẫn yêu và thích cuộc sống tại Inala.
“Nhiều người Australia gốc Á có xu hướng tách khỏi cộng đồng dân cư của mình. Nhưng với tôi, tôi hạnh phúc vì được làm việc, được sống ở nơi ngập tràn văn hóa thân thuộc với mình”, Vi chia sẻ.
Cùng với Inala, cộng đồng người Trung Quốc ở Sunnybank (cách Inala Plaza khoảng 10km) và cộng đồng người Phi ở Moorooka (cách Sunnybank 8km về phía Bắc) thực sự tạo nên một trung tâm đa văn hóa của Brisbane, mang đến nhiều sắc màu thú vị trong cuộc sống cho thủ phủ của bang Queensland. Dù đến từ những khu vực khác nhau, các cộng đồng dân cư ở phía Nam sông Brisbane này đều có cùng mục tiêu: lo cho gia đình có cuộc sống yên ổn, xây dựng cộng đồng dân cư ngày một lớn mạnh và mang đậm dấu ấn văn hóa của riêng mình.