Tiểu thuyết từng giành 12 giải thưởng tại Pháp, trong đó có giải Prix Sorcières năm 2013 lấy cảm hứng từ những sự kiện lịch sử có thật về chương trình "Lebensborn" (còn gọi là Suối Sinh) - một trong những chương trình tàn bạo do Đức Quốc Xã tiến hành trong Thế chiến II. Đây là chương trình được đích thân Thống chế Heinrich Himmler khởi xướng với mục tiêu làm tăng dân số của “chủng Aryan ưu việt” bằng cách “nhân giống” từ các đối tượng đã được chọn lọc kĩ; cũng như “Đức hoá” trẻ em từ các lãnh thổ bị Đức Quốc Xã chiếm đóng.
Ước tính có khoảng tám nghìn trẻ em được sinh ra trong các nhà trẻ của “Lebensborn” ở Đức, từ tám nghìn tới mười hai nghìn trẻ em tại Na Uy, hàng trăm trẻ em tại Áo, Bỉ và Pháp, khoảng hơn hai trăm nghìn đứa trẻ đã bị bắt cóc khỏi gia đình của mình.
Viết về những chương trình được thực hiện dưới bàn tay của Chủ nghĩa Quốc xã, Max - Bi kịch của Chủng tộc thượng đẳng chọn đề cập đến thân phận của những đứa trẻ trong thời chiến, dù ở hai chiến tuyến, nhưng cuộc đời chúng đã hoàn toàn thay đổi khi bị cuốn vào vòng xoáy tàn bạo của Thế chiến II.
Không chỉ có thể chất vượt trội - “như được đúc bằng thép Krupp”, Max còn được đào tạo để có tinh thần và ý chí sắt đá, sớm thấm nhuần tư tưởng của Đế chế, trở thành một “vũ khí” tàn nhẫn từ khi còn nhỏ tuổi đến lúc là một thiếu sinh quân tại trường đào tạo sĩ quan Napola. Dần chứng tỏ phẩm chất và sự lạnh lùng của mình, là điệp viên nằm vùng nhỏ tuổi nhất, tham gia vào các chiến dịch của Tổ chức, nhưng Max và những đứa trẻ của chương trình “Lebensborn” không biết được những bi kịch nào đang chờ đợi mình phía trước...
Đã hơn 70 năm sau Thế chiến thứ hai nhưng nỗi ám ảnh về sự tàn khốc của nó vẫn luôn còn hiện hữu. Các bên tham chiến đều chịu những tổn thất nặng nề: hơn 60 triệu người chết trong đó hơn một nửa là dân thường, các thành phố lớn trên khắp châu Âu bị phá huỷ và hai thành phố của Nhật bị bom nguyên tử xóa sổ. Quân Đức Quốc Xã đã hành quyết hơn sáu triệu người Do Thái và Ba Lan mất hơn 20% dân số. Nhưng còn rất nhiều những “chương trình” tàn độc khác mà có thể không nhiều người biết đến, cũng như không thể đo đếm được những chấn động do nó gây ra.
Qua Max - Bi kịch của Chủng tộc thượng đẳng, những sự thật về chương trình “Lebensborn” được đưa ra ánh sáng với góc nhìn chân thực, không né tránh. Hàng nghìn đứa trẻ là con của lính SS và những người phụ nữ được tuyển chọn đã được tạo ra; hoặc bị bắt cóc, chiếm dụng từ các quốc gia bị chiếm đóng bất chấp mọi luật pháp, đạo đức hay nhân quyền.
Những đứa trẻ không có ý niệm về gia đình, không biết cha mẹ mình là ai, hoặc bị tước đoạt khỏi gia đình mãi mãi. Những đứa trẻ không có tuổi thơ, không có tình yêu thương, được nuôi dạy bằng sự thù hận, bằng kỉ luật “bẻ gẫy mọi ý chí” để trở nên “máu lạnh”. Liệu chúng có thể có một cuộc đời trọn vẹn khi luôn trăn trở về nguồn gốc thật của bản thân? Liệu phần “con người” trong chúng có thể bị xóa bỏ?
Phơi bày những sự thật tàn khốc của chiến tranh một cách trực diện: trẻ em bị bắt bớ, phụ nữ bị cưỡng bức, sự tàn bạo của các bên tham chiến, và nhiều khía cạnh ít được biết đến về Thế chiến II, Max - Bi kịch của Chủng tộc thượng đẳng, dưới góc nhìn của một tác giả người Pháp, đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, khẳng định tình yêu thương giữa con người với con người sẽ tạo ra sức mạnh cảm hóa, kết thúc mọi khổ đau, mọi cuộc chiến tranh, và để trẻ em được sống trong hòa bình. Bản năng khao khát yêu thương và hướng thiện của những đứa trẻ có khả năng đập tan mọi giả thuyết phi nhân tính của chương trình “Lebensborn” - trước cả khi Đế chế sụp đổ.
Hướng đến Ngày Sách Việt Nam (21-4) và kỉ niệm 74 năm ngày chiến thắng Phát xít (9-5), NXB Kim Đồng tổ chức buổi tọa đàm nhân dịp ra mắt tiểu thuyết lịch sử Max - Bi kịch của Chủng tộc thượng đẳng và Cây vĩ cầm Ave Maria: “Số phận của những đứa trẻ trong thế chiến II”. Chương trình diễn ra vào lúc 9 giờ 30 ngày 7-4 tại Toong Coworking Space (Tầng 3, số 08 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) với sự tham gia của các diễn giả: Nhà phê bình Mai Anh Tuấn, Dịch giả Nguyễn Hồng Vân, Biên tập viên Vũ Phương Anh. |