Kế hoạch cụ thể về thuế carbon dự kiến được công bố vào mùa hè này. Đây là bước đi mới nhất trong nỗ lực đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của xứ Phù tang.
Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yamaguchi Tsuyoshi cho biết nước này sẽ loại bỏ dần các nhà máy điện than trong 2 thập niên tới và phát triển các công nghệ mới để giảm thiểu, thu giữ và sử dụng nguồn khí thải CO2. Theo ông Yamaguchi, Nhật Bản có tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu châu Á về không phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Thời gian qua, Tokyo phải đối mặt với chỉ trích đến từ các tổ chức, nhà hoạt động môi trường, cho rằng những chính sách hiện nay chỉ là kéo dài việc sử dụng than đá, cản trở việc giảm phát thải khí CO2; yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải tập trung nhiều hơn nữa vào năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, nhiều ý kiến còn cho rằng Nhật Bản thúc đẩy các nhà máy điện than trong quá khứ như là một phần hỗ trợ phát triển cho nhiều quốc gia châu Á. Trước những cáo buộc trên, ông Yamaguchi cho hay Nhật Bản sẽ tăng tốc phát triển công nghệ thu giữ và sử dụng khí CO2 và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các quốc gia châu Á khác về công nghệ này.
Nhật Bản từng phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân trước khi xảy ra thảm họa sóng thần năm 2011 làm hư hại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, khiến nhiều lò phản ứng phải dừng hoạt động. Dù một số lò phản ứng hạt nhân đã được khởi động trở lại sau khi nâng cấp, nước này hiện vẫn đang sử dụng nhiều khí đốt và than đá hơn trước để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Năm ngoái, Nhật Bản phát thải 1,15 tỷ tấn khí gây hiệu ứng nhà kính, giảm 5,1% so với năm 2020 và 18,4% so với năm 2013.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc đặt mục tiêu năng lượng hạt nhân cung cấp 20%-22% tổng năng lượng cho Nhật Bản vào năm 2030 - thời điểm Tokyo cam kết cắt giảm lượng khí thải xuống 46% so với năm 2013- là quá tham vọng. Tuy nhiên, ông Yamaguchi cho rằng với những công nghệ tiên tiến để giảm thiểu khí CO2 và thuế carbon, Nhật Bản tự tin sẽ đạt được các mục tiêu mà nước này đã đề ra.