Theo SCMP, Sáng kiến Xanh Saudi Arabia (SGI), đứa con tinh thần của Thái tử Mohammed bin Salman, đã được Saudi Arabia công bố vào tháng 11 năm ngoái bên lề Hội nghị khí hậu COP27 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập. Các mục tiêu của SGI táo bạo và gần như không thể: trồng 10 tỷ cây xanh, đẩy hỗn hợp năng lượng của vương quốc lên 50% năng lượng tái tạo vào năm 2030, cắt giảm 278 triệu tấn khí thải carbon vào cuối thập niên này, bảo tồn 30% đất đai của Saudi Arabia làm khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ và đạt mức 0 ròng vào năm 2060.
Không chỉ có vậy, Saudi Arabia cũng đã công bố Sáng kiến Xanh Trung Đông (MGI) song song trên toàn khu vực. MGI đặt mục tiêu trồng 50 tỷ cây trên khắp Trung Đông, giảm 670 triệu tấn carbon dioxide trên toàn khu vực, giúp các quốc gia láng giềng đạt được mục tiêu bằng 0, cung cấp nhiên liệu nấu ăn sạch cho 730 triệu người và biến Saudi Arabia thành một trung tâm khu vực về công nghệ thu giữ hydro và carbon xanh.
Saudi Arabia có mục tiêu giảm phụ thuộc vào sản xuất năng lượng đốt nhiên liệu hóa thạch, với kế hoạch đưa 58,7 gigawatt dự án năng lượng Mặt trời và gió vào hoạt động trong 7 năm tới. Một lĩnh vực đầu tư khác của Saudi Arabia là hydro xanh, cụ thể là Dự án Hydro xanh Neom - một trung tâm hydro xanh gần TP Neom tương lai, sẽ cung cấp năng lượng cho thành phố, giao thông và công nghiệp; đồng thời có khả năng cung cấp năng lượng xuất khẩu. Các nhà máy chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo sẽ sử dụng năng lượng Mặt trời và gió để sản xuất hydro xanh bằng điện phân, với 4 nhà máy như vậy đã được công bố. Nhà máy đầu tiên, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026, sẽ sản xuất 600 tấn hydro sạch mỗi ngày và 1,2 triệu tấn amoniac xanh hàng năm.
Có lẽ trụ cột lớn nhất trong nỗ lực xanh của Saudi là thu hồi và lưu trữ carbon. Những công nghệ này bao gồm thu khí carbon trực tiếp từ bầu trời, cô lập carbon sâu trong lòng đất và giảm lượng khí thải CO2 trong công nghiệp, giao thông vận tải và sản xuất hydrocarbon. Để đạt được mục tiêu đó, Saudi Arabia và công ty dầu mỏ khổng lồ Aramco của Saudi Arabia đã công bố vào cuối năm ngoái về một trung tâm cô lập thu giữ carbon ở Jubail, miền Đông Saudi Arabia. Bằng cách thu giữ và bơm carbon vào sâu trong lòng đất, cơ sở này sẽ lưu trữ 9 triệu tấn CO2 hàng năm vào năm 2027 - con số mà Aramco dự kiến sẽ tăng lên 44 triệu vào năm 2035, tổng công suất của 35 cơ sở thu hồi carbon lớn nhất trên toàn thế giới.
Vương quốc này cũng đang lên kế hoạch cho một trung tâm sử dụng giảm thiểu carbon ở các tỉnh phía Tây sẽ liên kết với ngành công nghiệp, mục tiêu tổng thể là giảm carbon bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, quy trình tiết kiệm năng lượng và hydro xanh; tái sử dụng hydrocarbon và tái chế chúng thành các vật liệu mới như phân bón hoặc nhiên liệu tổng hợp, ít carbon; và sau đó loại bỏ CO2 thải ra trong quá trình thông qua thu hoặc cô lập không khí trực tiếp và các giải pháp dựa vào thiên nhiên như trồng cây.