Tham vọng điện ảnh của Iceland

Trung tuần tháng 12-2022, Iceland đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Điện ảnh châu Âu (European Film Awards) lần thứ 35. Qua việc đầu tư tổ chức một buổi lễ trao giải hoành tráng, Iceland muốn thu hút sự chú ý của giới truyền thông về tiềm năng sáng tạo cũng như sự khao khát trở thành vùng đất hứa của các hãng phim quốc tế.
Một cảnh trong loạt phim Game of Thrones được quay tại Iceland
Một cảnh trong loạt phim Game of Thrones được quay tại Iceland

Nổi tiếng trên thế giới nhờ những phong cảnh hoang vu và hùng vĩ, Iceland trong thời gian qua đã tạo ra các phim trường hiện đại nhằm thu hút các đoàn làm phim quốc tế. Với biển băng mênh mông, núi lửa chập chùng, Iceland trở thành vùng đất lý tưởng để quay ngoại cảnh của các hãng phim Hollywood, nhất là dòng phim siêu anh hùng, khoa học viễn tưởng hay dã sử, cổ trang qua các bộ phim như Captain America, Prometheus, Interstellar và loạt phim nhiều tập Game of Thrones.

Chính phủ nước này giờ đây muốn các đoàn phim quốc tế không chỉ đến Iceland để quay ngoại cảnh (thiên nhiên) mà còn ở lại nhiều ngày để quay “nội cảnh” tại các phim trường của Iceland. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các hãng phim truyền thống và các nền tảng phim trực tuyến, Iceland muốn trở thành một điểm đến quan trọng của giới sản xuất phim, thậm chí là một giải pháp thay thế cho phim trường Pinewood của Anh - nổi tiếng thế giới nhờ sản xuất 2 thương hiệu bạc tỷ là dòng phim James Bond và Harry Potter.

Dẫn đầu phong trào khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng điện ảnh của Iceland là đạo diễn Baltasar Kormákur, tác giả của 2 bộ phim hành động hồi hộp ăn khách là Everest và Beast. Năm 2016, nhà làm phim Iceland đã mua lại nhà máy phân bón Gufunes, ở phía Đông Bắc thủ đô Reykjavik, đầu tư để biến đổi toàn bộ khu vực nhà máy bị bỏ hoang thành studio quay phim. Được đặt tên là RVK, quần thể này có thể dựng cùng lúc 3 hoạt cảnh lớn để quay phim trên một diện tích 6.500m2.

Nằm bên cạnh Công ty RVK, có một phim trường lớn khác là Fossar Studios, với diện tích tương tự. Quan trọng hơn nữa là chính sách thuế ưu đãi (giảm 25%) cho các đoàn làm phim. Để cạnh tranh trực tiếp với Malta và Ireland (2 nơi quay phim Game of Thrones), Chính phủ Iceland còn giảm thuế tối đa tới 35% cho bất kỳ dự án làm phim nào có ngân sách hơn 2,3 triệu EUR và đoàn phim làm việc hơn 30 ngày tại Iceland.

Nỗ lực đầu tư phát triển của Iceland đã thu hút sự chú ý của Netflix. Scott Stuber, Giám đốc điều hành khâu sản xuất phim của Netflix, đã đến thăm phim trường ở Iceland. Trong khi đó, Hãng phim HBO đã dời đoàn quay phim True Detective mùa thứ 4 từ bang Alaska (Mỹ) đến Iceland.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu cũng tạo thêm ưu thế bất ngờ cho Iceland, một quốc gia tự chủ năng lượng do khai thác năng lượng địa nhiệt, dồi dào trong lòng đất nhờ các dãy núi lửa. Vào lúc các nước châu Âu buộc phải tiết kiệm năng lượng, giá điện dành cho việc sưởi ấm và thắp sáng các phim trường tại Iceland thuộc vào hàng thấp nhất châu Âu, thích hợp với những bộ phim chọn bối cảnh mùa đông.

So với Ireland hay Tây Ban Nha, Iceland là một vùng đất rộng người thưa, chỉ có khoảng 370.000 dân. Thế nhưng, đất nước nhỏ bé này lại có một tham vọng điện ảnh cực kỳ to lớn.

Theo Báo Le Figaro, nỗ lực đầu tư nhằm thu hút các đoàn phim nước ngoài, nhưng trước mắt đã góp phần nâng cao chất lượng các bộ phim Iceland. Chưa bao giờ, “hàng nội” lại phong phú và hấp dẫn không kém gì phim nước ngoài. Các đạo diễn Iceland đã có thêm nhiều cơ hội để thử nghiệm tìm tòi, cọ xát với nhiều thể loại.

Tin cùng chuyên mục