Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết, nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ, tàu Chandrayaan-3 dự kiến sẽ hạ cánh xuống bề mặt của Mặt Trăng vào ngày 23-8. Sau khi hạ cánh, một tàu đổ bộ cao 2m sẽ triển khai một xe tự hành tại một địa điểm gần vùng cực Nam của Mặt trăng để tiến hành thăm dò và thực hiện hàng loạt thí nghiệm trong vòng 2 tuần.
Chandrayaan-3 được phát triển với vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD. Đây là sứ mệnh lớn đầu tiên kể từ khi chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố, các chính sách thúc đẩy đầu tư vào hoạt động chinh phục không gian do tư nhân thực hiện và những mô hình kinh doanh liên quan đến phát triển và phóng vệ tinh.
Chuyên gia tư vấn Ajey Lele thuộc Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Manohar Parrikar ở New Delhi nhận định: “Sứ mệnh thành công sẽ giúp nâng cao vị thế của Ấn Độ trên phạm vi toàn cầu và đem lại những lợi ích gián tiếp về khía cạnh thương mại của ngành công nghiệp này”.
Trong khi đó, theo bà Carla Filotico, Giám đốc quản lý tại Công ty tư vấn SpaceTec Partners (Mỹ), mục tiêu của Ấn Độ là trở thành một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực không gian và vụ phóng tàu Chandrayaan-3 có thể là cơ hội để Ấn Độ thực hiện được mục tiêu này.
Năm 2014, Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên tiếp cận sao Hỏa khi đưa được tàu thăm dò Mangalyaan vào quỹ đạo của hành tinh Đỏ. Dự án này của Ấn Độ trị giá 74 triệu USD. 3 năm sau sự kiện đáng nhớ này, Ấn Độ lập kỷ lục khi đưa cùng lúc 104 vệ tinh vào quỹ đạo với một lần phóng.
Đến năm 2019, Thủ tướng Modi tuyên bố, Ấn Độ bắn hạ 1 trong những vệ tinh của nước này trong cuộc thử nghiệm chống vệ tinh, đưa Ấn Độ trở thành 1 trong 4 quốc gia trên thế giới thực hiện nhiệm vụ tương tự. Cùng năm đó, cựu Chủ tịch ISRO Kailasavadivoo Sivan cho biết, Ấn Độ đang lên kế hoạch thành lập một trạm vũ trụ độc lập vào năm 2030.
Đến thời điểm hiện nay, mới có 2 trạm vũ trụ là Trạm vũ trụ quốc tế (ISS, dự án chung của một số nước) và Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc.
Sự phát triển và đổi mới nhanh chóng đã khiến công nghệ vũ trụ trở thành một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất của Ấn Độ, thu hút được đông đảo nhà đầu tư và dường như cả sự chú ý của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới.
Tháng trước, khi Thủ tướng Modi gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng trong chuyến thăm cấp nhà nước, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cơ hội hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực kinh tế vũ trụ. Và tham vọng của quốc gia tỷ dân không chỉ dừng lại ở Mặt trăng hay sao Hỏa khi ISRO đã gửi một đề xuất lên chính phủ dự án về chinh phục sao Kim.
Năm 2019, ISRO đã phóng thành công tàu Chandrayaan-2 lên quỹ đạo, song tàu đổ bộ và xe tự hành đã bị phá hủy trong một vụ va chạm gần vị trí mà tàu Chandrayaan-3 dự kiến sẽ đáp xuống. Tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ, Chandrayaan-1 được phóng vào năm 2008, quay xung quanh Mặt trăng rồi sau đó được cho là đã rơi xuống Mặt trăng.