Theo văn bản số 3693/UBND-KGVX ngày 1-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực bổ sung, củng cố hồ sơ khoa học, trong đó có việc mở rộng diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích bao gồm khu vực Đầm An Khê và các khu vực liên quan theo yêu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp một số vấn đề phát sinh, trong đó có 2 dự án đang thi công nằm gần khu vực Đầm An Khê.
Theo đó, thứ nhất là dự án đầu tư công, đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh đề xuất hướng tuyến quy hoạch đi qua khu vực Đầm An Khê (ven bờ, về phía Đông, giáp với khu vực cồn cát, gần hố khai quật Gò Ma Vương) với mục đích tạo thuận lợi cho việc kết nối giao thông và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên việc thi công sẽ có tác động đến cảnh quan, hệ sinh thái khu vực di tích.
Thứ hai là dự án đầu tư tư nhân, điện mặt trời tại Đầm An Khê (về phía Tây, gần đường Quốc lộ 1A hiện hữu). Dự án đề xuất sử dụng 52ha mặt nước và 2ha đất bờ Đầm An Khê để thi công lắp đặt các tấm panel thu năng lượng mặt trời và xây dựng công trình vận hành, quản lý dự án. Việc thi công và vận hành dự án sau này sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái đầm nước ngọt cũng như cảnh quan chung của Đầm An Khê.
Quan điểm của tỉnh Quảng Ngãi, Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba nền văn hóa tiêu biểu của Việt Nam (bên cạnh Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, Văn hóa Đông Nam Bộ ở miền Nam). Di tích này không chỉ có giá trị riêng ở Việt Nam mà còn tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á và có giá trị quốc tế. Vì vậy, việc khoanh vùng bảo vệ di tích và các phương án phát huy giá trị di tích, đề xuất đầu tư bên trong và xung quanh khu vực di tích phải được xem xét, đánh giá thật cẩn trọng, khoa học, trên nhiều phương diện, với tầm nhìn về lợi ích trong dài hạn; ưu tiên bảo vệ Di tích, bảo tồn không gian văn hóa, tránh các tác động can thiệp, phá vỡ không gian, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường khu vực di tích, đồng thời cũng tính đến các đề xuất đầu tư phát triển nhằm phát huy giá trị di tích. Ưu tiên lựa chọn giải pháp vừa bảo tồn, vừa phát triển.
UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị, việc đánh giá tác động của 2 dự án trên đối với Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh là công việc chuyên môn của Bộ VH-TT-DL. Do đó, trước khi xem xét, quyết định đối với 2 dự án này, UBND tỉnh đề nghị Bộ có ý kiến chuyên môn và thỏa thuận về việc khoanh vùng di tích bảo vệ đối với việc cho phép tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án trên nếu việc đầu tư không ảnh hưởng đến khả năng được công nhận di tích quốc gia đặc biệt và trong tương lai đề xuất UNESCO công nhận di sản thế giới.
Trong trường hợp có ảnh hưởng thì mức độ tác động? Và có nên tiếp tục hay dừng lại việc lập Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh?.
Đầm An Khê là đầm nước ngọt ven biển lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, đầm dài khoảng 3,5km, rộng 1km, sâu nhất 4m, diện tích 350ha, nối với biển bằng một con lạch dài 3km qua cửa Lỗ là nơi thường bị bồi lấp. Đầm An Khê hình thành trong thời kỳ biển thoái sau biển tiến cực đại Flandrian 6.000-7.000 năm trước và trở thành đầm nước ngọt khoảng 3.000-4.000 năm trước. Nguồn nước ngọt lớn có lẽ là yếu tố quyết định biến nơi đây thành cái nôi của nền văn hóa Sa Huỳnh (1.000 năm TCN đến cuối thế kỷ thứ 2). Đầm An Khê lần đầu tiên được nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet phát hiện vào năm 1909, sau đó, nhiều di chỉ khảo cổ đã được phát hiện và khai quật. |