Thâm Quyến: Từ “thị trấn của tiếng chuông xe đạp” đến “thành phố của cao ốc”

Từ một làng chài nhỏ nghèo nàn, lạc hậu, Thâm Quyến lột xác trở thành một siêu đô thị với tốc độ phát triển thuộc top đầu thế giới. Sự thay da đổi thịt của thành phố thịnh vượng bậc nhất tỉnh Quảng Đông này được xem như biểu tượng cho các nước đang phát triển.

 


Đặc khu kinh tế Thâm Quyến
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến

Thành phố của những cao ốc

Đặt chân đến Thâm Quyến hiện tại, điều ấn tượng nhất là những tòa nhà cao chọc trời, hiện đại, nguy nga. Trên tổng diện tích hơn 2.000 km², Thâm Quyến có tới hơn 1.000 tòa nhà cao tầng, trong đó có 13 cao ốc cao hơn 200m. Đặc biệt, Thâm Quyến được biết đến như “đại bản doanh” của nhiều “gã khổng lồ công nghệ” như Tencent, ZTE, hay Huawei. Hơn 400 trong tổng số 500 công ty lớn nhất Thế giới cũng đã đặt đại bản doanh nơi đây.

Sự phát triển kinh tế của Thâm Quyến cũng khiến Thế giới kinh ngạc khi chỉ trong  hơn 30 năm qua, Thâm Quyến đã thu hút trên 30 tỷ USD đầu tư.

Năm 2016, GDP của thành phố đạt 294 tỷ USD và kì vọng sẽ đạt tới 350 tỷ USD vào năm 2018. Đến thời điểm hiện tại, Thâm Quyến xếp thứ 4 Trung Quốc về GDP, thứ nhất về thu nhập bình quân đầu người. Trước sự tăng trưởng chóng mặt này, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, Thâm Quyến sẽ nhanh chóng vượt mặt “người hàng xóm” Hồng Kông- trung tâm tài chính vốn được xem là đầu tàu kinh tế của Trung Quốc trong tương lai không xa.

Sự “trỗi dậy” của Thâm Quyến ngày nay, sẽ chỉ là một câu chuyện bình thường, nếu như xuất phát điểm của thành phố này cũng thuận lợi như Hồng Kong hay Thượng Hải. Ít ai có thể hình dung được, hơn 30 năm trước, Thâm Quyến vốn là một làng chài nhỏ nghèo nàn với dân số vỏn vẹn 300.000 người…

Điển hình thành công vì “dám nghĩ, dám làm”

Câu chuyện về sự lột xác ngoạn mục, nếu không muốn nói là kinh ngạc của Thâm Quyến ngày nay, là minh chứng rõ rệt nhất cho suy nghĩ “dám nghĩ dám làm” của những người đứng đầu bộ máy chính quyền.  Nếu so sánh Thâm Quyến hôm nay với 30 năm về trước, người ta sẽ nhìn thấy hàng trăm, chứ không phải chỉ một bài học kinh nghiệm về cách làm kinh tế của nơi này.

Thâm Quyến: Từ “thị trấn của tiếng chuông xe đạp” đến “thành phố của cao ốc” ảnh 1 Đặc khu kinh tế Trung Quốc
 Tất cả thực sự bắt đầu vào năm 1980, khi lãnh đạo Trung Quốc quyết định đưa Thâm Quyến trở thành một trong ba đặc khu kinh tế của tỉnh Quảng Đông với mũi nhọn tập trung phát triển ngành công nghiệp cao. Với lợi thế tiếp giáp Hồng Kông và kết nối thuận lợi với hệ thống 17 cảng của Trung Quốc, Thâm Quyến đã nhanh chóng được chọn là đặc khu ưu tiên phát triển sớm nhất, trở thành đầu mối giao thương quan trọng của khu vực duyên hải phía nam Trung Quốc, cầu nối liên kết giữa Trung Quốc với Hồng Kông cũng như thế giới.

Ngoài việc được áp dụng hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư như giảm thuế thu nhập của doanh nghiệp nước ngoài từ 30% xuống còn một nửa, giảm 50% phí sử dụng đất công nghiệp cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và công nghệ cao. Thâm Quyến được chọn “thí điểm” hàng loạt chính sách mở cửa của chính phủ Trung Quốc mà ở thời điểm đó, được đánh giá là vô cùng mạo hiểm. Thâm Quyến đã trở thành khu vực đầu tiên được chính phủ trao quyền lập pháp để chủ động phát triển kinh tế, để “đi xa hơn, vượt lên trên nền kinh tế đã được hoạch định sẵn”.

Từ khi được trao quyền lập pháp tới nay, đặc khu Thâm Quyến đã ban hành hơn 300 văn bản pháp quy, trong đó có tới 70% là các văn bản liên quan đến phát triển kinh tế và mở cửa thị trường, 1/3 trong số đó được thí điểm thực hiện trước khi các quy định pháp luật liên quan của Trung ương được ban hành. Thâm Quyến đã trở thành một “quốc gia riêng”, với chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.

Nhờ vào chính sách “doanh nghiệp làm chủ, chính quyền dẫn dắt” này, Thâm Quyến hoàn toàn được chủ động trong việc đưa ra những cơ chế chính sách cần thiết cho sự phát triển kinh tế khu vực. Thâm Quyến, từ một làng chài nhỏ sau khi có đầy đủ quyền hành và tự quyết như một “quốc gia độc lập”, tất nhiên vẫn dựa trên nguyên tắc thống nhất từ trên xuống dưới của bộ máy chính quyền Trung Quốc, đã lột xác thần kỳ và trở thành biểu tượng cho Trung Quốc đổi mới. Thậm chí, chuyện nhập cư - vấn đề thường xuyên gây tranh cãi cho các Quốc gia trên Thế giới, cũng đã được “thí nghiệm” thành công bằng chính quyền tự quyết của đặc khu Thâm Quyến.  Năm 2006, Thâm Quyến đề ra chương trình bảo hiểm y tế cho lao động nhập cư, tăng đầu tư giáo dục cho con cái của người nhập cư. Năm 2008, chính quyền cấp “thẻ cư trú lâu dài” cho phép lao động nhập cư hưởng các phúc lợi xã hội như nhà ở, y tế, giáo dục và hưu trí như những người có hộ khẩu thường trú.

Nhiều nhà chính trị lẫn chuyên gia kinh tế cho rằng, chính nhờ sự “dám nghĩ dám làm, dám đổi mới” đã trở thành bàn đạp quan trọng giúp Thâm Quyến vươn mình trỗi dậy và lột xác ngoạn mục như ngày nay. Và điều này còn chứng minh thêm một điều nữa, để xây dựng đặc khu kinh tế, ngoài việc chú trọng đầu tư về vốn, cần phải có sự sáng tạo, linh hoạt trong đổi mới cơ chế, chính sách của cấp chính quyền. 

Trong hơn 30 năm, Thâm Quyến đã trút bỏ tấm áo nghèo nàn, lạc hậu, để bứt phá trở thành một trong ba thành phố thịnh vượng nhất Trung Quốc, đồng thời cũng là một trong những thành phố phát triển nhất Thế giới theo đánh giá của tổ chức Asia Society.  Năm 2015, bình quân đầu người nơi này đạt mức 25 nghìn USD.

Sự thành công Thâm Quyến đã trở thành một câu chuyện luôn mang tính thời sự cho tất cả các Quốc gia trên Thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển muốn tạo sự bứt phá về kinh tế bằng việc thành lập mô hình đặc khu kinh tế. Ở một khía cạnh khác, sự đổi thay ngoạn mục của “làng chài lạc hậu” Thâm Quyến cũng khẳng định tầm nhìn xa rộng của những nhà lãnh đạo luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Không chỉ tại Trung Quốc, trên thế giới cũng đã có những mô hình đặc khu kinh tế thành công, giúp thay đổi đáng kể nền kinh tế của các nước sở tại. Trên thế giới hiện có tới 4.500 đặc khu kinh tế và mô hình tương tự, xuất hiện tại 140 quốc gia. Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã lập tới 45 khu, trong đó 26 khu riêng ở Dubai. Indonesia cũng có tới 10 đặc khu ven biển. Năm 2014, Myanmar thông qua Luật đặc khu và đã kiến tạo thành công mô hình này. Có thể kể tới một số đặc khu thành công ở Châu Á như Incheon (Hàn Quốc); Hồng Kông…

Từ điển hình Thâm Quyến và nhìn rộng ra để thấy, kiến tạo đặc khu kinh tế là xu hướng tất yếu để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế của mỗi một quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. 

Tin cùng chuyên mục