Chiều 8-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, cử tri và nhân dân quan tâm đến việc xử lý các vụ việc nổi cộm để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua. Có những hành vi, vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán, gây thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật còn có bất cập, sơ hở; sự tinh vi, liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn của kẻ phạm tôi, sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan có thẩm quyền.
ĐB Phương Hoa đề nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cá nhân, pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp. Các cơ quan tư pháp cần kịp thời thông tin tới các cơ quan có thẩm quyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội để tăng cường tính cảnh báo, phòng ngừa.
Đáng chú ý, ĐB Sùng A Lềnh (Lào Cai), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến án tử hình cho phù hợp với điều kiện trong tình hình mới.
ĐB cho rằng, thực tiễn tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc duy trì hình phạt tử hình là một biện pháp cần thiết để trừng trị, răn đe và phòng ngừa các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy công tác giải quyết hồ sơ án tử hình và quản lý giam giữ thi hành án tử hình là một nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa quyết liệt, chưa kịp thời và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác giam giữ, thi hành án tử hình có nhiều khó khăn do đối tượng bị kết án từ hình thời gian gần đây tăng nhanh.
Do đó, ĐB đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến án tử hình cho phù hợp với điều kiện trong tình hình mới. Tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm từ sớm, từ xa, đặc biệt là tội phạm về ma túy, không để sơ hở khiến các đối tượng tiếp tục lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để công tác quản lý giam giữ và thi hành án tử hình được thực hiện an toàn, bảo đảm theo quy định của pháp luật, ĐB Sùng A Lềnh đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các tổ nghiệp vụ phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước sớm có biện pháp để tháo gỡ những khó khăn trong việc quản lý thi hành án đối với những người bị kết án tử hình đang tạm giam tại trại tạm giam của công an các địa phương. Tiến hành rà soát cụ thể, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ người bị kết án tử hình đã đủ điều kiện, nhất là số người đã giam giữ nhiều năm nhằm giảm áp lực cho công tác quản lý giam giữ tài của các đơn vị, địa phương. Đề nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thời gian xét đơn xin ân giảm án tử hình để việc thi hành án tử hình kịp thời, không để kéo quá dài gây phức tạp.
Đặc biệt, ĐB Sùng A Lềnh đề nghị Chính phủ quan tâm, nhanh chóng phê duyệt xây dựng mới các nhà giam, người bị kết án tử hình nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý giam giữ trong thời gian tới. Tiến hành khảo sát, đánh giá bổ sung kinh phí, phương tiện lắp đặt thay thế hệ thống camera giám sát hiện đã xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu công tác quản lý giam giữ người, kết án tử hình nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tại các địa phương.
ĐB Phạm Thị Hồng Diễm (Trà Vinh) cũng đề nghị tăng cường giải pháp phòng, chống ma túy vì trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều hậu quả nặng nề cho đời sống xã hội. Chính phủ cần tiếp tục quan tâm tăng cường các giải pháp phòng, chống ma túy, tập trung nguồn lực cho các địa phương thực hiện các hoạt động kiểm soát các tụ điểm ma túy, thực hiện tuyên truyền tập trung cho đối tượng thanh thiếu niên, đặc biệt trong môi trường học đường tránh xa ma túy.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tập trung phân tích vấn đề “tham nhũng vặt”. Theo ĐB, “tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc hay giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách “bóp chặt”. Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén... thậm chí nhiều vụ việc còn đòi hỏi phí bôi trơn. Điều đáng lo ngại là điều này ngày càng trở nên phổ biến.
"Tình trạng “tham nhũng vặt” như “vòi bạch tuộc” đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Cử tri, nhân dân mong Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng vặt”, chống tiêu cực trong xã hội", ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu.
ĐB Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng số liệu về xử lý cán bộ công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp còn khiêm tốn so với thực tế đang diễn ra.