Ngày 11-2, chỉ đạo công tác trọng tâm của toàn lực lượng Công an nhân dân trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm yêu cầu công an các đơn vị, địa phương siết chặt kỷ cương, kỷ luật công tác, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm, văn hóa ứng xử; đặc biệt, phải kiên quyết ngăn chặn nạn tham nhũng vặt trong khi thi hành công vụ, không để hiệu ứng tiêu cực lây lan trong dư luận xã hội về các cơ quan thực thi pháp luật, trước hết là lực lượng công an, ảnh hưởng xấu tới uy tín, hình ảnh lực lượng công an trong lòng nhân dân.
Có thể thấy, chỉ riêng trong ngành cảnh sát giao thông, lâu nay, ở một số đơn vị, địa phương đã có nhiều tai tiếng về tham nhũng vặt. Là người thực thi công vụ, có quyền xử phạt, nếu thiếu sự kiểm tra giám sát và bản thân thiếu công tâm thì cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông rất dễ dàng hành xử lạm dụng quyền lực, nhũng nhiễu người tham gia giao thông, trâng tráo thu tiền mãi lộ.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, các cử tri đều nêu ra tình trạng tham nhũng hiện nay có hai loại là tham nhũng lớn và tham nhũng vặt mà trong đó, nạn tham nhũng vặt không phải chỉ là chuyện vặt, đã gây tác hại rất lớn, cũng là nguy cơ lớn đối với chính quyền và chính đảng cầm quyền. Tham nhũng vặt gây khổ nạn trực tiếp cho người dân, gây mất lòng dân, làm giảm lòng tin của dân vào bộ máy công quyền, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và chính quyền. Mà lòng tin, thái độ thiện cảm của dân là yếu tố quyết định sự vững bền của chế độ. Cử tri tin tưởng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ quyết liệt và được làm một cách mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy nhiên, số lượng người lạm dụng quyền lực, có hành vi tham nhũng vặt rất đông, cấu kết thành những nhóm lợi ích, do vậy, việc ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này không dễ. Không thể để tiếp diễn tình trạng có những người thi hành công vụ lại có hành vi phạm pháp. Có quyết tâm giải quyết nạn tham nhũng vặt là chưa đủ, mà còn cần rất nhiều biện pháp đồng bộ. Bản thân Bộ Công an cũng chưa thể ngăn chặn hữu hiệu nạn tham nhũng vặt, mà cần tiếp tục hoàn thiện thể chế; rà soát, thực hiện phân cấp hợp lý, bảo đảm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền, trách nhiệm trong hoạt động thực thi pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quy định rõ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu tại các đơn vị; rèn luyện đạo đức công vụ; chú trọng thanh tra, kiểm tra, điều tra để phát hiện tham nhũng, nhất là kiểm tra kỹ những trường hợp thu nhập có dấu hiệu bất minh. Cùng với đó, phải xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác cán bộ; tăng cường công khai minh bạch trong công tác tuyển dụng, chấm dứt tình trạng chạy chọt, tiêu cực; kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế những người thi hành công vụ làm việc kém hiệu quả. Các cơ quan phòng chống tham nhũng của các ngành, địa phương thực hiện thường xuyên việc khen thưởng, bảo vệ, tôn vinh người tố cáo tham nhũng, và xử lý thật nghiêm người có hành vi tham nhũng vặt khi thi hành công vụ. Những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhũng nhiễu người dân phải bị loại trừ nhanh ra khỏi guồng máy chính quyền. Bên cạnh đó, tạo hiệu ứng xã hội để mọi người cùng có thái độ rõ ràng, không tiếp tay cho nạn tham nhũng vặt, kiên quyết không lót tay, chung chi, bôi trơn khi làm việc với lực lượng chấp pháp.